Monday 1 December 2014

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 5

LỰA CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 5: NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT CHỌN
1. CHỌN TRƯỜNG THEO QUY TẮC: MỖI ĐỨA TRẺ LÀ DUY NHẤT
Tuy mỗi trường học hiện đại đều có "định vị" riêng của mình, và hướng tới một nhóm đối tượng học sinh nhất định, nhưng không có nghĩa tất cả mọi đứa trẻ đều phải đi chung một con đường. Mỗi đứa trẻ là "duy nhất khác biệt - unique", và có lẽ chỉ có cha mẹ chúng, với sự gần gũi, tình yêu thương và bản năng làm cha mẹ mới biết rõ nhất về cái "duy nhất" đó của con mình, trước khi gặp chuyên gia giáo dục hay tư vấn hướng nghiệp.
Cũng từ cái "duy nhất" đó mà cha mẹ có thể trả lời được câu hỏi "Vì sao là trường này và không phải trường kia". Bản thân tôi cũng vậy, khi đã hiểu con mình và chọn cho con một trường học mà theo tôi là phù hợp nhất về mọi khía cạnh, thì tôi rất tự tin với sự lựa chọn của mình. Tôi sẽ không còn bị áp lực bởi sự lựa chọn khác của các phụ huynh khác, vì tôi hiểu phụ huynh kia đã chọn trường tốt nhất, phù hợp nhất với con của họ - một đứa trẻ khác, còn tôi phải có sự lựa chọn của riêng mình.
Một số câu hỏi tham khảo:
Hãy dành thời gian suy nghĩ về những câu hỏi sau, có thể sẽ giúp bạn chọn được trường tốt cho bé:
1) Bạn mong muốn bé trở thành người như thế nào? 2) Bạn mong muốn trường học cung cấp những gì cho con bạn?
3) Con bạn có tố chất như thế nào? Điểm mạnh/năng khiếu gì? Điểm yếu gì?
4) Bạn chọn trường theo tiêu chí nào? Cái gì quan trọng, cái gì không quan trọng? Những tiêu chí đó có giúp bé thực hiện được mục tiêu lớn của cuộc đời không?
5) Trường có phù hợp với bé và gia đình bạn không? 6) Bạn đã tham khảo và phân tích ý kiến của 5-10 người/nguồn khác nhau trước khi chọn trường chưa?
Nếu bạn đã ngắm nghía một số trường và đã suy tính kỹ lưỡng về những vấn đề trên rồi, chắc chắn bạn sẽ có một quyết định chín chắn và chuẩn xác.
2. CHỌN TRƯỜNG THEO TIÊU CHÍ BẰNG CẤP
- Bằng tú tài Việt Nam: Đinh Thiện Lý, Sao Việt, , VAS Việt Úc, IPS Á Châu, BCIS, WAPS...
-1 bằng tú tài Việt Nam + 1 bằng tú tài nước ngoài: Horizon (+ IGCSE/A level), VASS Việt Mỹ (+ IGCSE), SNA Bắc Mỹ, APC Châu Á - TBDương (+ GAC), VAPS Nam Mỹ (+ Tú tài trung học Texas), NSA Tân Nam Mỹ...
- Bằng tú tài Cambridge Anh (IGCSE/AS/A Level): ACG, AIS Úc, ABC, SIS-Kinderworld, Hệ AAVN của ISHCM, BVIS
- Bằng tú tài Mỹ (AP): AIS Mỹ, TAS
- Bằng G.A.C (Mỹ): SIS-Kinderworld, APC
- Bằng tú tài bang Ontario (Canada): CIS
- Tú tài bang California (Mỹ): APU
- Tú tài bang New York (Mỹ): ISSP Saigon Pearl - Bằng tú tài bang Tây Úc (Úc): SIC
- Bằng tú tài quốc tế (IB): ISHCMC, BIS, AIS Mỹ, SSIS, RISS
3. CHỌN TRƯỜNG THEO TRẢI NGHIỆM
Phụ huynh hoàn toàn có thể cho con trải nghiệm qua nhiều chương trình giáo dục khác nhau, miễn là có sự liên thông bằng cấp và hòa nhập của trẻ tốt. Ví dụ, sẽ không là một ý tưởng tồi nếu con bạn "nếm trải" 1 ít giáo dục Việt Nam, 1 ít chương trình giáo dục Úc, Anh, Mỹ, Canada, Singapore... và kết thúc bằng 1 định hướng bằng cấp nào đó, với điều kiện lộ trình học tập phải được bạn tính toán kỹ lưỡng nhằm phục vụ một mục tiêu đã đặt ra, ví dụ tăng cường sự trải nghiệm đa dạng, tranh thủ học tập những tinh hoa của mỗi nền giáo dục, vv... Nhấn mạnh, đây là một cách làm khó, đòi hỏi phụ huynh phải tìm hiểu thông tin, phải xác định được rõ ràng mục tiêu, phải hiểu con mình, phải kiểm soát được tình thế và dám thay đổi hoặc dừng lại khi cần thiết.
4. ĐỪNG ĐỂ GIÁO VIÊN THIẾU TIÊU CHUẨN DẠY CON BẠN
Nếu tìm được trường uy tín, chương trình được đăng ký và công nhận, cùng giáo viên đạt chuẩn "tối thiểu" theo Quy định của Bộ giáo dục, hoặc các tổ chức IBO, CIE, vv... thì quá tốt, nếu không, đừng liều lĩnh cho con bạn học với giáo viên không được đào tạo. Việc học tập với những giáo viên không được đào tạo, không có tri thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề đến tư duy của con bạn. Có rất nhiều phụ huynh vì tẩy chay giáo dục trong nước một cách cực đoan mà đưa con đến những trường học có giáo viên "Tây ba lô" mà không hay biết. "Tây ba lô" được hiểu là những người nước ngoài không được đào tạo để làm giáo viên, không có "kinh nghiệm liên quan", và không có động lực xây dựng một sự nghiệp trong việc giảng dạy, mà chỉ đơn thuần kiếm tiền.
Cũng đừng để những quảng cáo hoa mỹ về các chương trình Anh-Mỹ-Úc đánh lừa bạn. Nếu trường thực sự giảng dạy một chương trình nào đó, thường thì họ phải mua bản quyền chương trình, phải liên kết với đối tác phía Anh-Mỹ-Úc để chuyển giao chương trình và tập huấn giáo viên, nếu không, chương trình giảng dạy có thể chỉ là sự cóp nhặt tùy tiện, thậm chí đánh cắp các chương trình có uy tín một cách bất hợp pháp và thiếu cơ sở khoa học. Cần tránh một số ngộ nhận phổ biến, cụ thể:
1) Không phải người bản ngữ nào cũng có thể trở thành giáo viên: Việc giáo viên tốt nghiệp đại học những chuyên ngành không liên quan tham gia đứng lớp là trái quy định.
2) Giáo viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng họ học chuyên môn của mình bằng một ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh thì không có nghĩa họ đủ trình độ giảng dạy khoa học bằng tiếng Anh.
3) Kinh nghiệm làm việc của giáo viên phải "có liên quan". Kinh nghiệm liên quan được hiểu là ở một vai trò tương đương (với một trường học giảng dạy bằng tiếng Anh và với vai trò giảng dạy ở một cấp lớp tương tự).
4) Không phải giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm/Giáo dục (Education) là có thể giảng dạy mọi cấp lớp (mầm non, tiểu học, trung học).
5) Giáo viên chuyên ngành (specialist teachers) như Arts, PE, Music... phải được đào tạo theo đúng chuyên ngành
5. TẠI SAO TÔI CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ ?
Nhiều người vẫn thường nghĩ, chỉ có đại gia nhiều tiền lắm của mới cho con học trường quốc tế. Tôi cũng biết xã hội nhiều khi không mấy thiện cảm với cha mẹ cho con học trường quốc tế, hay với học sinh theo học trường quốc tế. Những từ như lai căng, Tây lai, dở Tây dở ta, sính ngoại, thừa tiền rửng mỡ… là những từ rất nặng nề và thiếu tôn trọng, nhưng được dùng rất nhiều cả trên báo chí và trong các diễn đàn.
Không như nhiều người vẫn nghĩ, ngoài một bộ phận đại gia thật sự, phần lớn các phụ huynh quyết định cho con theo học trường quốc tế mà tôi đã tiếp xúc trong quá trình tìm kiếm thông tin đều là những nhân viên văn phòng, đi làm thuê ăn lương tháng, ví dụ như…vợ chồng tôi.
Tôi là người rất kĩ tính với giáo dục, vì đối với tôi, khác với tất cả mọi ngành nghề, sản phẩm của giáo dục là con người. Tôi lớn lên trong nền giáo dục công lập Việt Nam, từng trải qua môi trường trường chuyên lớp chọn, từng thấm thía nỗi niềm đi thi như lao vào cuộc chiến, từng bị ám ảnh bởi điểm số, bảng xếp hạng, từng thuộc ro ro những định nghĩa hóa học, vật lý hàn lâm nhưng chưa bao giờ thực sự master chúng trong cuộc sống. Tôi đã có may mắn gặp được những người thầy vĩ đại làm thay đổi con người tôi, nhưng cũng gặp những người thầy làm mất đi trong tôi sự yêu thích học tập, khả năng sáng tạo, tinh thần lạc quan, tư duy độc lập…Sau này có cơ hội trải qua thời gian Đại Học tại Thụy Sỹ, tôi càng ý thức rõ sự mất mát về khả năng tư duy qua 12 năm học phổ thông là vô phương bù đắp. Và tôi mong muốn chọn một con đường khác cho con gái tôi. Để thực hiện những bước đi đầu tiên của cuộc hành trình dài đầy khó khăn này, chúng tôi đã trải qua nhiều đắn đo, suy nghĩ và rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Đầu tiên là việc thống nhất với nhau về định hướng cho con, lên một kế hoạch cụ thể với nhiều option có thể xảy ra, thậm chí chúng tôi đã lường đến việc nếu chẳng may bị mất việc chúng ta sẽ bán nhà. Chúng tôi đồng quan niệm cái nhà chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống, cái nhà không phải tài sản. Chúng tôi thậm chí chuyển nhà đến kế bên ngôi trường chúng tôi cho là phù hợp với con chúng tôi nhất để thuận tiện cho việc đi lại của bé.
Trường quốc tế có thật sự quá tuyệt vời để chúng tôi “điên cuồng” như vậy không? Xin thưa là không. Ngay cả trường quốc tế được đánh giá tốt nhất tại Việt Nam với mức học phí cao ngất ngưỡng so với một trường quốc tế ngang mức phí tại Singapore đã có một khoảng cách lớn về chất lượng. Trường quốc tế cũng có những ưu và khuyết điểm giống như trường công.
Tôi vẫn cảm ơn sự ra đời của các trường quốc tế dù vô cùng thất vọng vì sự quản lý lỏng lẻo, quá cẩu thả và yếu kém của các cơ quan có chức năng dẫn đến thị trường này lộn xộn như cái chợ trời hiện nay. Vì theo quy luật phát triển, sự xuất hiện của các trường quốc tế tạo nên một đối trọng với hệ thống trường công. Điều này kích thích sự vận động phát triển của thị trường. Nếu không có trường quốc tế, tất nhiên tôi sẽ không có bất cứ lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục con đường trường chuyên lớp chọn cho con. Con tôi lại là một bản sao của tôi nhiều năm nữa sau khi thụ hưởng một nền giáo dục chính trị hóa, nặng tính thành tính, thiếu tính nhân văn và hết sức lạc hậu. Sau 30 năm từ thế hệ tôi sang con tôi, giáo dục công lập Việt Nam vẫn không có gì đột biến. Vẫn trung thành với mục tiêu tạo ra những học sinh có mẫu số chung là biết vâng lời thày cô, cha mẹ, ông bà một cách vô điều kiện bất chấp đúng sai, vở sạch chữ đẹp, học sinh giỏi 12 năm, thi đại học điểm cao, giành học bổng du học, thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Chẳng ai quan tâm đứa trẻ có bao nhiêu sự trung thực, sự sáng tạo, bao nhiêu lòng tự trọng, bao nhiêu tinh thần trách nhiệm, bao nhiêu kỹ năng sống, bao nhiêu hạnh phúc, vì những thứ đó không quy ra được bằng điểm, cũng chẳng thi hay kiểm tra được. Khi so sánh, tôi thấy mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thời kỳ hội nhập” là rất mơ hồ so với 10 tiêu chuẩn cụ thể trong Learner Profile của Tổ chức tú tài quốc tế IBO, bao gồm Inquirers, Knowledgeable, Thinkers, Communicators, Principled, Open-minded, Caring, Risk takers, Balanced và Reflective. Không có trường quốc tế, trường công sẽ ngủ yên trong sự lạc hậu về tư duy, về cơ sở vật chất, về phương pháp dạy và học, về sự trung lập trong khoa học, về mục tiêu đào tạo con người. Các trường công lập sẽ tiếp tục “một mình một chợ”, thoải mái phát triển theo chuẩn mực của riêng mình mà không so sánh với dòng chảy bên ngoài.
Tôi không tôn sùng trường quốc tế, nhưng tin rằng sự tồn tại của nó trong hệ thống giáo dục là cần thiết. Cần thiết vì nhiều phụ huynh nếu không lựa chọn đi chung đường với giáo dục công lập sẽ có một con đường khác để đi đến đích của mình. Cũng cần lưu ý rằng, cụm từ “các trường quốc tế ở Việt Nam” là một khái niệm quá rộng, bao gồm các trường từ giỏi tới dốt, từ có chất lượng tới kém chất lượng. Chúng chỉ có một điểm chung duy nhất là sự hiện diện một phần hay toàn bộ của các yếu tố phương Tây tại trường, như sử dụng tiếng Anh, chương trình học của phương Tây, giáo viên phương Tây tới các học sinh nước ngoài, văn hóa nước ngoài. Vì vậy, bất cứ một cách nói khái quát để đánh giá chung các trường quốc tế ở Việt Nam vẫn là không chính xác. Cho con học trường quốc tế đối với tôi là một cách để họ bảo vệ con cái trong một xã hội thiếu chuẩn mực, để bảo vệ tuổi thơ của con, để đảm bảo con không tham gia vào những “giao dịch” thiếu liêm chính với thày cô, với nhà trường như chạy trường, ký sổ vàng, chạy điểm, bồi dưỡng tháng cho thày cô, đi học phụ đạo… Trường quốc tế chỉ là một trong những cách tự vệ của cha mẹ, là nơi cha mẹ hy vọng thôi, chứ thực tế chưa chắc đã đạt được điều mình mong ước. Sự kỳ thị hay ác cảm với các trường quốc tế cũng là do sự bảo thủ của xã hội Việt Nam, là do tư duy “thấy giàu thì ghét, thấy nghèo thì khinh” vẫn còn rất nặng nề ở những xã hội châu Á có lịch sử phong kiến.
Trên rất nhiều diễn đàn, các phụ huynh tranh luận căng thẳng giữa trường công và trường quốc tế, và nhiều khi đặt 2 nhóm trường này ở thế đối đầu, công kích lẫn nhau. Nhưng thực ra, những trường chất lượng dù là công lập hay quốc tế lại tương đối giống nhau, cũng như những trường tệ ở cả 2 nhóm không khác nhau là mấy. khác nhau là mấy.
Vì thế khi quyết định bất cứ thứ gì, hãy đặt hạnh phúc và sự trải nghiệm của con lên hàng đầu, hãy ưu tiên cho việc phát triển tư duy độc lập của con. Dù bạn có chọn bất cứ trường nào cho con, ngay cả trường tốt nhất cũng không đồng nghĩa với sự bảo đảm cho con bạn đạt được những gì bạn mong ước. Trường lớp chỉ là một kênh hỗ trợ. Đối với tôi “Người Mẹ tốt hơn người thầy tốt”.
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)
KỲ TỚI [cũng là kỹ cuối]: BẢNG XẾP HẠNG CÁC TRƯỜNG QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM và nguồn thông tin của bài nghiên cứu này

No comments:

Post a Comment