Sunday 21 December 2014

NÊN LẤY CHỒNG CÓ 5 ĐỨC TÍNH




1. Trách nhiệm
Một người đàn ông có trách nhiệm sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bạn suốt cuộc đời. Anh ấy sẽ nắm bàn tay bạn khi bạn gặp khó khăn, anh ấy không để bạn một mình với một núi việc nhà, cô đơn trong việc nuôi dạy con.

2. Hài hước, suy nghĩ tích cực
Cuộc sống sau hôn nhân không phải chỉ có màu hồng, đôi khi nó trở nên nặng nề và sự hài hước sẽ là chất keo hàn gắn những vết thương trong đời sống vợ chồng.

3. Tôn trọng phụ nữ
Một người đàn ông biết tôn trọng phụ nữ đúng nghĩa lại là người chồng lý tưởng, anh ấy sẽ là người bạn đời tốt của bạn, bạn sẽ luôn được trân trọng và có một cuộc hôn nhân viên mãn.

4. Có ý chí phấn đấu nhưng không cuồng vọng
Một người đàn ông có ý chí phấn đấu, có chí tiến thủ đúng mực là người bạn đời bạn nên giữ bên mình.

5. Tinh tế, hiểu biết
Chung sống với đàn ông thiếu hiểu biết sẽ đem lại cho bạn một cuộc hôn nhân ngộp thở. Sự tinh tế, hiểu biết rất cần trong cuộc sống lứa đôi, một người đàn ông tinh tế, hiểu biết sẽ đem lại cho bạn một cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc."

Monday 1 December 2014

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 5

LỰA CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 5: NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT CHỌN
1. CHỌN TRƯỜNG THEO QUY TẮC: MỖI ĐỨA TRẺ LÀ DUY NHẤT
Tuy mỗi trường học hiện đại đều có "định vị" riêng của mình, và hướng tới một nhóm đối tượng học sinh nhất định, nhưng không có nghĩa tất cả mọi đứa trẻ đều phải đi chung một con đường. Mỗi đứa trẻ là "duy nhất khác biệt - unique", và có lẽ chỉ có cha mẹ chúng, với sự gần gũi, tình yêu thương và bản năng làm cha mẹ mới biết rõ nhất về cái "duy nhất" đó của con mình, trước khi gặp chuyên gia giáo dục hay tư vấn hướng nghiệp.
Cũng từ cái "duy nhất" đó mà cha mẹ có thể trả lời được câu hỏi "Vì sao là trường này và không phải trường kia". Bản thân tôi cũng vậy, khi đã hiểu con mình và chọn cho con một trường học mà theo tôi là phù hợp nhất về mọi khía cạnh, thì tôi rất tự tin với sự lựa chọn của mình. Tôi sẽ không còn bị áp lực bởi sự lựa chọn khác của các phụ huynh khác, vì tôi hiểu phụ huynh kia đã chọn trường tốt nhất, phù hợp nhất với con của họ - một đứa trẻ khác, còn tôi phải có sự lựa chọn của riêng mình.
Một số câu hỏi tham khảo:
Hãy dành thời gian suy nghĩ về những câu hỏi sau, có thể sẽ giúp bạn chọn được trường tốt cho bé:
1) Bạn mong muốn bé trở thành người như thế nào? 2) Bạn mong muốn trường học cung cấp những gì cho con bạn?
3) Con bạn có tố chất như thế nào? Điểm mạnh/năng khiếu gì? Điểm yếu gì?
4) Bạn chọn trường theo tiêu chí nào? Cái gì quan trọng, cái gì không quan trọng? Những tiêu chí đó có giúp bé thực hiện được mục tiêu lớn của cuộc đời không?
5) Trường có phù hợp với bé và gia đình bạn không? 6) Bạn đã tham khảo và phân tích ý kiến của 5-10 người/nguồn khác nhau trước khi chọn trường chưa?
Nếu bạn đã ngắm nghía một số trường và đã suy tính kỹ lưỡng về những vấn đề trên rồi, chắc chắn bạn sẽ có một quyết định chín chắn và chuẩn xác.
2. CHỌN TRƯỜNG THEO TIÊU CHÍ BẰNG CẤP
- Bằng tú tài Việt Nam: Đinh Thiện Lý, Sao Việt, , VAS Việt Úc, IPS Á Châu, BCIS, WAPS...
-1 bằng tú tài Việt Nam + 1 bằng tú tài nước ngoài: Horizon (+ IGCSE/A level), VASS Việt Mỹ (+ IGCSE), SNA Bắc Mỹ, APC Châu Á - TBDương (+ GAC), VAPS Nam Mỹ (+ Tú tài trung học Texas), NSA Tân Nam Mỹ...
- Bằng tú tài Cambridge Anh (IGCSE/AS/A Level): ACG, AIS Úc, ABC, SIS-Kinderworld, Hệ AAVN của ISHCM, BVIS
- Bằng tú tài Mỹ (AP): AIS Mỹ, TAS
- Bằng G.A.C (Mỹ): SIS-Kinderworld, APC
- Bằng tú tài bang Ontario (Canada): CIS
- Tú tài bang California (Mỹ): APU
- Tú tài bang New York (Mỹ): ISSP Saigon Pearl - Bằng tú tài bang Tây Úc (Úc): SIC
- Bằng tú tài quốc tế (IB): ISHCMC, BIS, AIS Mỹ, SSIS, RISS
3. CHỌN TRƯỜNG THEO TRẢI NGHIỆM
Phụ huynh hoàn toàn có thể cho con trải nghiệm qua nhiều chương trình giáo dục khác nhau, miễn là có sự liên thông bằng cấp và hòa nhập của trẻ tốt. Ví dụ, sẽ không là một ý tưởng tồi nếu con bạn "nếm trải" 1 ít giáo dục Việt Nam, 1 ít chương trình giáo dục Úc, Anh, Mỹ, Canada, Singapore... và kết thúc bằng 1 định hướng bằng cấp nào đó, với điều kiện lộ trình học tập phải được bạn tính toán kỹ lưỡng nhằm phục vụ một mục tiêu đã đặt ra, ví dụ tăng cường sự trải nghiệm đa dạng, tranh thủ học tập những tinh hoa của mỗi nền giáo dục, vv... Nhấn mạnh, đây là một cách làm khó, đòi hỏi phụ huynh phải tìm hiểu thông tin, phải xác định được rõ ràng mục tiêu, phải hiểu con mình, phải kiểm soát được tình thế và dám thay đổi hoặc dừng lại khi cần thiết.
4. ĐỪNG ĐỂ GIÁO VIÊN THIẾU TIÊU CHUẨN DẠY CON BẠN
Nếu tìm được trường uy tín, chương trình được đăng ký và công nhận, cùng giáo viên đạt chuẩn "tối thiểu" theo Quy định của Bộ giáo dục, hoặc các tổ chức IBO, CIE, vv... thì quá tốt, nếu không, đừng liều lĩnh cho con bạn học với giáo viên không được đào tạo. Việc học tập với những giáo viên không được đào tạo, không có tri thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề đến tư duy của con bạn. Có rất nhiều phụ huynh vì tẩy chay giáo dục trong nước một cách cực đoan mà đưa con đến những trường học có giáo viên "Tây ba lô" mà không hay biết. "Tây ba lô" được hiểu là những người nước ngoài không được đào tạo để làm giáo viên, không có "kinh nghiệm liên quan", và không có động lực xây dựng một sự nghiệp trong việc giảng dạy, mà chỉ đơn thuần kiếm tiền.
Cũng đừng để những quảng cáo hoa mỹ về các chương trình Anh-Mỹ-Úc đánh lừa bạn. Nếu trường thực sự giảng dạy một chương trình nào đó, thường thì họ phải mua bản quyền chương trình, phải liên kết với đối tác phía Anh-Mỹ-Úc để chuyển giao chương trình và tập huấn giáo viên, nếu không, chương trình giảng dạy có thể chỉ là sự cóp nhặt tùy tiện, thậm chí đánh cắp các chương trình có uy tín một cách bất hợp pháp và thiếu cơ sở khoa học. Cần tránh một số ngộ nhận phổ biến, cụ thể:
1) Không phải người bản ngữ nào cũng có thể trở thành giáo viên: Việc giáo viên tốt nghiệp đại học những chuyên ngành không liên quan tham gia đứng lớp là trái quy định.
2) Giáo viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng họ học chuyên môn của mình bằng một ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh thì không có nghĩa họ đủ trình độ giảng dạy khoa học bằng tiếng Anh.
3) Kinh nghiệm làm việc của giáo viên phải "có liên quan". Kinh nghiệm liên quan được hiểu là ở một vai trò tương đương (với một trường học giảng dạy bằng tiếng Anh và với vai trò giảng dạy ở một cấp lớp tương tự).
4) Không phải giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm/Giáo dục (Education) là có thể giảng dạy mọi cấp lớp (mầm non, tiểu học, trung học).
5) Giáo viên chuyên ngành (specialist teachers) như Arts, PE, Music... phải được đào tạo theo đúng chuyên ngành
5. TẠI SAO TÔI CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ ?
Nhiều người vẫn thường nghĩ, chỉ có đại gia nhiều tiền lắm của mới cho con học trường quốc tế. Tôi cũng biết xã hội nhiều khi không mấy thiện cảm với cha mẹ cho con học trường quốc tế, hay với học sinh theo học trường quốc tế. Những từ như lai căng, Tây lai, dở Tây dở ta, sính ngoại, thừa tiền rửng mỡ… là những từ rất nặng nề và thiếu tôn trọng, nhưng được dùng rất nhiều cả trên báo chí và trong các diễn đàn.
Không như nhiều người vẫn nghĩ, ngoài một bộ phận đại gia thật sự, phần lớn các phụ huynh quyết định cho con theo học trường quốc tế mà tôi đã tiếp xúc trong quá trình tìm kiếm thông tin đều là những nhân viên văn phòng, đi làm thuê ăn lương tháng, ví dụ như…vợ chồng tôi.
Tôi là người rất kĩ tính với giáo dục, vì đối với tôi, khác với tất cả mọi ngành nghề, sản phẩm của giáo dục là con người. Tôi lớn lên trong nền giáo dục công lập Việt Nam, từng trải qua môi trường trường chuyên lớp chọn, từng thấm thía nỗi niềm đi thi như lao vào cuộc chiến, từng bị ám ảnh bởi điểm số, bảng xếp hạng, từng thuộc ro ro những định nghĩa hóa học, vật lý hàn lâm nhưng chưa bao giờ thực sự master chúng trong cuộc sống. Tôi đã có may mắn gặp được những người thầy vĩ đại làm thay đổi con người tôi, nhưng cũng gặp những người thầy làm mất đi trong tôi sự yêu thích học tập, khả năng sáng tạo, tinh thần lạc quan, tư duy độc lập…Sau này có cơ hội trải qua thời gian Đại Học tại Thụy Sỹ, tôi càng ý thức rõ sự mất mát về khả năng tư duy qua 12 năm học phổ thông là vô phương bù đắp. Và tôi mong muốn chọn một con đường khác cho con gái tôi. Để thực hiện những bước đi đầu tiên của cuộc hành trình dài đầy khó khăn này, chúng tôi đã trải qua nhiều đắn đo, suy nghĩ và rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Đầu tiên là việc thống nhất với nhau về định hướng cho con, lên một kế hoạch cụ thể với nhiều option có thể xảy ra, thậm chí chúng tôi đã lường đến việc nếu chẳng may bị mất việc chúng ta sẽ bán nhà. Chúng tôi đồng quan niệm cái nhà chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống, cái nhà không phải tài sản. Chúng tôi thậm chí chuyển nhà đến kế bên ngôi trường chúng tôi cho là phù hợp với con chúng tôi nhất để thuận tiện cho việc đi lại của bé.
Trường quốc tế có thật sự quá tuyệt vời để chúng tôi “điên cuồng” như vậy không? Xin thưa là không. Ngay cả trường quốc tế được đánh giá tốt nhất tại Việt Nam với mức học phí cao ngất ngưỡng so với một trường quốc tế ngang mức phí tại Singapore đã có một khoảng cách lớn về chất lượng. Trường quốc tế cũng có những ưu và khuyết điểm giống như trường công.
Tôi vẫn cảm ơn sự ra đời của các trường quốc tế dù vô cùng thất vọng vì sự quản lý lỏng lẻo, quá cẩu thả và yếu kém của các cơ quan có chức năng dẫn đến thị trường này lộn xộn như cái chợ trời hiện nay. Vì theo quy luật phát triển, sự xuất hiện của các trường quốc tế tạo nên một đối trọng với hệ thống trường công. Điều này kích thích sự vận động phát triển của thị trường. Nếu không có trường quốc tế, tất nhiên tôi sẽ không có bất cứ lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục con đường trường chuyên lớp chọn cho con. Con tôi lại là một bản sao của tôi nhiều năm nữa sau khi thụ hưởng một nền giáo dục chính trị hóa, nặng tính thành tính, thiếu tính nhân văn và hết sức lạc hậu. Sau 30 năm từ thế hệ tôi sang con tôi, giáo dục công lập Việt Nam vẫn không có gì đột biến. Vẫn trung thành với mục tiêu tạo ra những học sinh có mẫu số chung là biết vâng lời thày cô, cha mẹ, ông bà một cách vô điều kiện bất chấp đúng sai, vở sạch chữ đẹp, học sinh giỏi 12 năm, thi đại học điểm cao, giành học bổng du học, thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Chẳng ai quan tâm đứa trẻ có bao nhiêu sự trung thực, sự sáng tạo, bao nhiêu lòng tự trọng, bao nhiêu tinh thần trách nhiệm, bao nhiêu kỹ năng sống, bao nhiêu hạnh phúc, vì những thứ đó không quy ra được bằng điểm, cũng chẳng thi hay kiểm tra được. Khi so sánh, tôi thấy mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thời kỳ hội nhập” là rất mơ hồ so với 10 tiêu chuẩn cụ thể trong Learner Profile của Tổ chức tú tài quốc tế IBO, bao gồm Inquirers, Knowledgeable, Thinkers, Communicators, Principled, Open-minded, Caring, Risk takers, Balanced và Reflective. Không có trường quốc tế, trường công sẽ ngủ yên trong sự lạc hậu về tư duy, về cơ sở vật chất, về phương pháp dạy và học, về sự trung lập trong khoa học, về mục tiêu đào tạo con người. Các trường công lập sẽ tiếp tục “một mình một chợ”, thoải mái phát triển theo chuẩn mực của riêng mình mà không so sánh với dòng chảy bên ngoài.
Tôi không tôn sùng trường quốc tế, nhưng tin rằng sự tồn tại của nó trong hệ thống giáo dục là cần thiết. Cần thiết vì nhiều phụ huynh nếu không lựa chọn đi chung đường với giáo dục công lập sẽ có một con đường khác để đi đến đích của mình. Cũng cần lưu ý rằng, cụm từ “các trường quốc tế ở Việt Nam” là một khái niệm quá rộng, bao gồm các trường từ giỏi tới dốt, từ có chất lượng tới kém chất lượng. Chúng chỉ có một điểm chung duy nhất là sự hiện diện một phần hay toàn bộ của các yếu tố phương Tây tại trường, như sử dụng tiếng Anh, chương trình học của phương Tây, giáo viên phương Tây tới các học sinh nước ngoài, văn hóa nước ngoài. Vì vậy, bất cứ một cách nói khái quát để đánh giá chung các trường quốc tế ở Việt Nam vẫn là không chính xác. Cho con học trường quốc tế đối với tôi là một cách để họ bảo vệ con cái trong một xã hội thiếu chuẩn mực, để bảo vệ tuổi thơ của con, để đảm bảo con không tham gia vào những “giao dịch” thiếu liêm chính với thày cô, với nhà trường như chạy trường, ký sổ vàng, chạy điểm, bồi dưỡng tháng cho thày cô, đi học phụ đạo… Trường quốc tế chỉ là một trong những cách tự vệ của cha mẹ, là nơi cha mẹ hy vọng thôi, chứ thực tế chưa chắc đã đạt được điều mình mong ước. Sự kỳ thị hay ác cảm với các trường quốc tế cũng là do sự bảo thủ của xã hội Việt Nam, là do tư duy “thấy giàu thì ghét, thấy nghèo thì khinh” vẫn còn rất nặng nề ở những xã hội châu Á có lịch sử phong kiến.
Trên rất nhiều diễn đàn, các phụ huynh tranh luận căng thẳng giữa trường công và trường quốc tế, và nhiều khi đặt 2 nhóm trường này ở thế đối đầu, công kích lẫn nhau. Nhưng thực ra, những trường chất lượng dù là công lập hay quốc tế lại tương đối giống nhau, cũng như những trường tệ ở cả 2 nhóm không khác nhau là mấy. khác nhau là mấy.
Vì thế khi quyết định bất cứ thứ gì, hãy đặt hạnh phúc và sự trải nghiệm của con lên hàng đầu, hãy ưu tiên cho việc phát triển tư duy độc lập của con. Dù bạn có chọn bất cứ trường nào cho con, ngay cả trường tốt nhất cũng không đồng nghĩa với sự bảo đảm cho con bạn đạt được những gì bạn mong ước. Trường lớp chỉ là một kênh hỗ trợ. Đối với tôi “Người Mẹ tốt hơn người thầy tốt”.
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)
KỲ TỚI [cũng là kỹ cuối]: BẢNG XẾP HẠNG CÁC TRƯỜNG QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM và nguồn thông tin của bài nghiên cứu này

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 4

LỰA CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 4- NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ PHỔ BIẾN-KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, tôi xin điểm qua các chương trình phổ biến nhất hiện nay bao gồm A Level, IB, AP và song ngữ Nhận xét chương trình Anh hàn lâm, chương trình Mỹ thực tế tuy khái quát theo kiểu "vơ đũa cả nắm", nhưng trong đó có rất nhiều sự thật. Một trong những nguyên nhân của điều này là sự ảnh hưởng của nền văn hóa và xã hội. Trong khi Anh và châu Âu nói chung coi trọng giá trị của di sản, truyền thống và tương đối bảo thủ thì xã hội Mỹ cổ vũ cái mới, sự sáng tạo, sự phá cách, trải nghiệm... Bản thân tôi khi tiếp xúc và làm việc chung cũng nhận thấy, một người Anh rất khác một người Mỹ, từ cách tư duy cho đến lối sống. Không thể nói ai có giá trị hơn ai, vì cả 2 đều là giá trị riêng. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết tại đây www.saigonparents.com/…/15-american-vs-british-internationa…
1) Chương trình A level
Chương trình A-Level kéo dài hai năm dành cho học sinh 16-19 tuổi. Điểm A-Level càng cao thì học sinh càng có cơ hội vào được trường đại học theo nguyện vọng. Chương trình A-Level được các trường đại học trên toàn thế giới công nhận, vì thế, đạt điểm A-Level cao sẽ giúp học sinh mở những cánh cửa đại học. Nhất là tại Anh, để được nhận vào đại học tại Anh, học sinh bắt buộc phải có điểm A-Level. Điểm A-Level cao là điều kiện tiên quyết để vào học các ngành Y, Luật và Cơ khí.
Kỳ thi A-Level tổ chức lần đầu tiên vào năm 1951.
Học sinh chọn môn học A-Level dựa vào định hướng nghề nghiệp và khả năng học tập của chính mình.Thông thường học sinh chọn bốn môn cho năm đầu tiên và chọn ba trong số bốn môn đó để học nâng cao trong năm thứ hai. Ví dụ, học sinh có thể chọn môn Sinh học, Tâm lý học, Kinh tế và Xã hội học cho năm đầu và có thể học Tâm lý học, Kinh tế và Xã hội học cho năm tiếp theo. Học sinh muốn theo học ngành Y có thể chọn môn Sinh học, Hóa học và Thống kê; học sinh muốn theo học ngành Luật có thể chọn môn Chính trị học, Tâm lý học và Luật. Chọn đúng môn học sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Thông thường, học sinh sẽ nộp từ ba đến bốn điểm môn học A-Level vào các trường đại học.Học sinh luôn được khuyên chọn môn học phù hợp với năng lực cũng như khả năng nhận vào học từ trường đại học. Tùy theo trường đại học, một số trường sẽ theo dõi bảng điểm của học sinh trong suốt một hay hai năm học trong khi những trường khác thì chỉ chú ý vào điểm thi cuối năm. Những kỳ thi được chấm điểm một cách độc lập và điểm cao nhất của A-Level là A cho đến thấp nhất là E. Chọn lọc những môn học A-Level Tài chính, Sinh học, Kinh doanh học, Hóa học, Vi tính học, Kinh tế, Văn học Anh, Toán cao cấp, Lịch sử nghệ thuật, Chính phủ và chính trị, Kỹ thuật thông tin, Toán học, Truyền thông học, Triết học, Vật lý, Tâm lý học, Xã hội học, Thống kê học, Phim ảnh, Luật. (Theo Thiệu Nam)
2) Chương trình IB
Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) có ba bậc, bậc cao nhất của IB (The Diploma Programme) dành cho học sinh độ tuổi từ 16 đến 19.Chương trình này được thiết lập như cấp 3/dự bị đại học cho học sinh các trường quốc tế.Với một kết cấu các nhóm môn học và giáo trình khá toàn diện, IB được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và đánh giá cao, đặc biệt ở Hoa Kỳ và châu Âu. Chương trình IB kéo dài hai năm, thường bắt đầu từ năm lớp 11 và được công nhận là chương trình học để chuẩn bị vào đại học tốt trên thế giới. Giáo trình IB gồm có sáu nhóm môn học:
1. Ngôn ngữ A1 (ngôn ngữ thứ nhất – thường là tiếng mẹ đẻ
2. Ngôn ngữ thứ hai
3. Cá nhân và xã hội (các môn xã hội)
4. Khoa học tự nhiên
5. Toán học
6. Các môn nghệ thuật Các trường dạy IB có khá nhiều tự do trong việc chọn môn học cho từng nhóm, đặc biệt là những nhóm có lựa chọn khá đa dạng như Ngôn ngữ thứ hai hay các môn xã hội, v.v… Giáo trình IB đa dạng, có nhiều hình thức trao đổi và nâng cao kiến thức cho học sinh: thảo luận trong lớp, thí nghiệm khoa học, bài luyện tập rèn luyện sự sáng tạo, thi vấn đáp…, giúp hoàn thiện kỹ năng học và nghiên cứu về nhiều mặt.
Ngoài ra, để đạt đủ tiêu chuẩn nhận bằng IB, học sinh còn cần hoàn thành một bài luận nghiên cứu tự chọn dài 4.000 từ (Extended Essay – EE) và một khóa học “Lý thuyết của nhận thức” (Theory of Knowledge – TOK) kéo dài một năm giúp học sinh đặc biệt trong lứa tuổi đang trưởng thành định hình rõ ràng hơn về con người và cuộc sống. Những yêu cầu này là sự chuẩn bị quan trọng và bổ ích cho định hướng tương lai cũng như môi trường học tập ở đại học sau này.
Chương trình IB khuyến khích học sinh xây dựng ý thức tầm nhìn quốc tế.Nghĩa là học sinh cần có sự hiểu biết về các vấn đề toàn cầu, sự quan tâm đến người khác trong cộng đồng và rộng hơn ra thế giới.IB cũng đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết về nền văn hóa của nước mình, ý thức về dân tộc mình.Vì vậy, mọi học sinh IB phải thông thạo tối thiểu hai ngôn ngữ. Qua quá trình học IB, học sinh sẽ phát triển các kỹ năng để sống và làm việc trong môi trường quốc tế, vốn rất cần thiết trong cuộc sống ở thế kỷ XXI này. Chương trình mang lại một nền giáo dục cân bằng, đào tạo học sinh toàn diện và đem lại sự chuẩn bị tốt nhất cho bậc đại học và giai đoạn trưởng thành.
Điểm cao nhất cho mỗi môn học của IB là 7, điểm tuyệt đối cho sáu môn là 42.EE và TOK sẽ có điểm thưởng là 3 điểm. Vì điểm cuối cùng của IB chỉ có sau khi hoàn tất hai năm học, trong quá trình học sinh nộp hồ sơ sang các trường đại học Hoa Kỳ và tùy từng đại học ở các nước khác, các thầy cô tại trường dạy IB sẽ được yêu cầu đưa ra một điểm dự đoán (Predicted Grade – PG) cho học sinh ở môn học của mình làm cơ sở cho các trường đại học đánh giá năng lực và xét hồ sơ của học sinh.
3)Chương trình AP
4)Chương trình song ngữ
Rất nhiều trường học ở Việt Nam cung cấp chương trình học song ngữ, và được phụ huynh chấp nhận rộng rãi, dù rằng các nhà quản lý giáo dục nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng đại đa số các trường hợp này "tự phong" là "trường song ngữ".
Trái với cách hiểu nôm na "song ngữ là 2 ngôn ngữ", tức là trường giảng dạy bằng 2 thứ tiếng, ví dụ tiếng Việt và tiếng Anh, "giáo dục song ngữ" là một lĩnh vực của giáo dục học đã được nghiên cứu rất sâu và phát triển rất mạnh cùng với sự phổ biến của tiếng Anh và các trường "quốc tế". Có 1 vài mô hình song ngữ được thừa nhận rộng rãi:
a) Transitional: Là mô hình giảng dạy cho học sinh bằng tiếng mẹ đẻ đến một lứa tuổi nhất định rồi chuyển hẳn sang giảng dạy khoa học bằng ngôn ngữ thứ 2. Tại TPHCM hiện có Kinderworld/SIS.
b) Dual-language: Là mô hình giảng dạy song song bằng 2 ngôn ngữ, trong đó 1 số môn học bằng tiếng mẹ đẻ (thường là các môn mang tính local như tiếng địa phương, văn hóa địa phương, lịch sử, địa lý, đạo đức/phong tục tập quán địa phương) và các môn khoa học khác bằng ngôn ngữ thứ 2 (thường là các môn mang tính quốc tế như toán học, khoa học, khoa học xã hội, ICT...). Ví dụ tại VN là hệ CCC của ISHCMC, BCIS của CIS, BVIS của BIS.
c) Developmental: Học sinh học tập bằng tiếng mẹ đẻ, và học thêm một ngôn ngữ khác (tiếng Anh) và chuyển đổi các tri thức khoa học và kỹ năng sang tiếng Anh. Ví dụ này tương đồng với các trường dạy chương trình Việt Nam có tăng cường tiếng Anh.
Ở Việt Nam và một vài nước châu Á khác, ví dụ Thái Lan, vẫn tồn tại mô hình "song ngữ" gây nhiều tranh cãi, là giảng dạy cùng một nội dung khoa học bằng 2 thứ tiếng. Ví dụ, buổi sáng học sinh học chương trình của Việt Nam bằng tiếng Việt, buổi chiều học chương trình "quốc tế" bằng tiếng Anh, dù nội dung khoa học của 2 chương trình gần như tương đồng, chỉ khác về ngôn ngữ giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Nhiều nhà khoa học và giáo dục học không thừa nhận mô hình này, vì nó tạo ra sự "quá tải" và "lặp lại" cho học sinh, mà theo họ là không có cơ sở khoa học hợp lý.
Hầu hết các trường "quốc tế" hoạt động tại VN hiện này đều có giảng dạy các môn Văn, Sử, Giáo dục công dân, Địa lý cho học sinh VN theo quy định của Bộ GD-DT. Như vậy, trừ những học sinh quốc tịch nước ngoài và không học tiếng Việt, quy định của Bộ bắt buộc các trường dù "quốc tế 100%" cũng phải áp dụng giáo dục song ngữ ở các mức độ khác nhau cho học sinh quốc tịch Việt Nam Có thể tham khảo thêm quan điểm của Cambridge International Examinations (CIE) về giáo dục song ngữ tại:http://www.cie.org.uk/qualifications...gual_education
KỲ TỚI: NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI CHỌN TRƯỜNG CHO CON
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 2

CHỌN LỰA TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 2- ĐỊNH NGHĨA LẠI TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM phần cuối- Trường Quốc Tế - Dấu hiệu nhận biết ban đầu
Cho đến bây giờ, cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam vẫn không đưa ra được một định nghĩa chính thức “thế nào là trường quốc tế?”. Việc Sở giáo dục TP. HCM công nhận những trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… là trường quốc tế bị nhiều ý kiến không đồng tình, vì như vậy là nhầm lẫn cơ bản giữa một “trường nước ngoài” với một “trường quốc tế”!
Khái niệm trường quốc tế là một khái niệm rất lỏng lẻo. Tuy nhiên, những trường được công nhận một cách rộng rãi là trường quốc tế thường có những dấu hiệu sau:
- Giảng dạy chương trình quốc tế (IB và CIE), hoặc có thể là chương trình của các quốc gia có nền giáo dục mang tính quốc tế rất cao như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada…
- Đội ngũ giáo viên bản ngữ hoặc đa quốc tịch, hoặc có trình độ được công nhận ở phạm vi quốc tế.
Đặc biệt, hiệu trưởng phải là người bản ngữ hoặc một công dân quốc tế từ một đất nước có nền giáo dục phát triển, được đào tạo chuyên môn cao
- Ngôn ngữ giảng dạy là ngôn ngữ quốc tế, phổ biến: tiếng Anh, tiếng Pháp…
- Học sinh có nhiều quốc tịch khác nhau
- Bằng cấp có giá trị quốc tế: bằng cấp được công nhận rộng rãi bởi các trường đại học ở các nước như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc…
- Chương trình học có tính liên thông quốc tế, cho phép chuyển đổi tín chỉ đến những trường học ở nước ngoài một cách dễ dàng khi học sinh ra nước ngoài
- Trường được kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế
- Cơ sở vật chất hiện đại
Xét theo các tiêu chí trên đây thì rất nhiều trường tuy luôn gắn tên “quốc tế” vào tên gọi của mình nhưng không nên được xem là trường quốc tế, ví dụ: Á Châu (IPS/AHS), Việt Úc (VAS), Việt Mỹ (VASS), Việt Anh (VASchool), Sao Việt (Vstar), Tây Úc (WAPS), Nam Mỹ (VAPS), Tân Nam Mỹ (NSA), TIS, APC, Úc Châu…
Trong khi một số trường khác trong tên gọi có thể không có chữ “quốc tế”, nhưng nên được xếp vào nhóm trường quốc tế, ví dụ: Trường dân lập Mỹ Việt (TAS) và Trường dân lập Bắc Mỹ (SNA) vì các trường này đã tham gia kiểm định chất lượng với WASC.
Như vậy, “quốc tế” không nằm ở tên gọi, mà nằm ở thực lực của trường.
Cách đây 10 năm, các trung tâm Anh ngữ trong thành phố như “nấm sau mưa”. Nhưng khi thế hệ học sinh mới trong trường được học tiếng Anh tốt hơn, nhu cầu học tiếng Anh tại các trung tâm bên ngoài giảm dần, và tuyển sinh các lớp tiếng Anh trở nên khó hơn trước. Đúng lúc đó thì phong trào “học trường quốc tế” nổi lên. Vậy là một loạt các trung tâm Anh ngữ đã chuyển hướng sang trường quốc tế. Ví dụ:
- Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) mở ra Trường dân lập Việt Úc (VAS)
- Trường đào tạo Việt Mỹ (VATC) mở ra Trường Việt Mỹ (VASS), rồi sau này chuyển nhượng cho người khác
- Trung tâm ngoại ngữ Á – Âu mở ra Trường Á Châu (IPS, AHS)
- Trung tâm ngoại ngữ Liên Việt mở ra Trường Việt Mỹ (VAschool)
- Hệ thống trường ngoại ngữ Không Gian, Thần Đồng, Thượng Đỉnh, Leecam… (cùng một chủ) mở ra Trường dân lập Bắc Mỹ (SNA)
Các trung tâm Anh ngữ khi mở ra trường phổ thông thì có lợi thế khi có thể đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào chương trình học, đưa giáo viên từ trung tâm tiếng Anh sang trường phổ thông.
Trong khi phụ huynh còn đang lẫn lộn giữa “trường quốc tế thật” và “trường định hướng quốc tế”, thì nhiều trường dân lập tăng cường tiếng Anh đạt doanh thu khổng lồ mà những trường IB cũng phải thèm muốn. Vậy đó, đừng nhìn vào trường học thấy cơ sở vật chất không to đẹp, chương trình dạy không có “ai bi” mà coi thường. Các trường hướng vào phân khúc khách hàng mass có sức cạnh tranh rất lớn, đe dọa luôn cả các trường quốc tế hàng đầu!
Trước tiên, cần khẳng định Việt Úc không phải trường quốc tế, mà là trường dân lập giảng dạy chương trình Việt Nam, tăng cường tiếng Anh, chủ trường cũng đồng thời là chủ Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS). Trường này là một trường học hoàn toàn vì lợi nhuận, gần đây đã được Quỹ đầu tư Mekong Capital đầu tư vào. Ưu điểm của trường này là học phí bằng khoảng 50% học phí trường quốc tế thực thụ, trường có kinh nghiệm tổ chức việc dạy tiếng Anh ở VUS nên có lợi thế khi dạy tăng cường tiếng Anh. Nhược điểm là trường hoạt động chịu sức ép sinh lời, thương mại hóa rất lớn, toàn bộ khuôn viên đi thuê, hầu hết các cơ sở không có sân chơi cho học sinh, đội ngũ giáo viên chuyên môn không có gì đặc biệt. Hiệu trưởng của trường, ông Đinh Thái Long, là giáo viên tiếng Anh VUS, trước là giám đốc học vụ của Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS)

Cùng với Á Châu, trường Việt Úc là trường "lai" (hybrid), họ hướng tới việc giảm tải việc học so với trường công, và hướng tới mô hình trường học tiên tiến. Về giảng dạy chương trình Việt Nam, chất lượng giáo dục của nó ngang bằng một trường công lập trung bình trong thành phố.
Trường Á Châu và trường Việt Úc là "thủ phạm" gây ra hiểu lầm về khái niệm "trường quốc tế". Họ sử dụng chữ "quốc tế" để chiêu sinh, trong khi cả chương trình học lẫn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì không theo chuẩn của tổ chức quốc tế nào (trừ môn tiếng Anh và ICT).
----
[ KỲ TỚI: PHÂN BIỆT TRƯỜNG THÀNH VIÊN VÀ TRƯỜNG ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH BỞI CÁC TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ]
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 3

LỰA CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 3- PHÂN BIỆT TRƯỜNG THÀNH VIÊN VÀ TRƯỜNG ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH-CÁC TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ
[em sorry cả nhà, tối qua Gánh em có tiệc tùng đến khuya, giờ em mới post được, bài hôm nay có chia sẻ danh sách 6 trường quốc tế được công nhận tại VN đó]
1)TRƯỜNG QUỐC TẾ CÓ ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG KHÔNG?
Hiện tại thị trường trường quốc tế tại Việt Nam là thả nổi, vô cùng bát nháo. Do đó việc kiểm định chất lượng các trường quốc tế tại VN bởi các tổ chức bên ngoài là cần thiết, vì hiện nay Bộ GD&ĐT Việt Nam không thực hiện chức năng này. Việc kiểm định thường bao gồm kiểm định trường nói chung và kiểm định chương trình giảng dạy.
Về chương trình giảng dạy thì IBO và CIE là hai tổ chức thiết kế, phát triển và cung cấp chương trình
giáo dục phổ thông quốc tế lớn nhất, uy tín nhất và chương trình của họ chỉ cung cấp cho những trường học đạt được những tiêu chí nhất định họ đặt ra. Thông thường, các tiêu chí này bao gồm chất lượng giáo viên (giáo viên phải được công nhận đủ năng lực giảng dạy chương trình) và chất lượng cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai chương trình dạy. Ngoài ra, các chương trình giảng dạy của Anh, Mỹ, Úc, Canada… cũng được chính phủ các nước này hoặc chính quyền bang (thông qua Bộ giáo dục) thẩm định và công nhận, dù nó chỉ có ý nghĩa là phù hợp với mục tiêu đào tạo công dân của nước họ.
Về chất lượng trường học nói chung, có một số tổ chức chuyên thực hiện chức năng thẩm định (accreditors). Phổ biến nhất là CIS (hiện ECIS không còn thực hiện chức năng kiểm định), 6 tổ chức kiểm định vùng của Hoa Kỳ (NEASC, WASC, MSACS, NCACS, SACS, NAC) và COBIS (hệ thống các trường Anh). Việc kiểm định này nhằm đảm bảo các trường thành viên duy trì một mức độ chất lượng tương đối và chịu sự giám sát liên tục của một tổ chức bên ngoài trường, đánh giá các trường theo nhiều tiêu chí khác nhau trong sự so sánh giữa các trường cùng tham gia kiểm định.
Hiện nay, một số trường quốc tế ở VN đã được kiểm định và công nhận: CIS (Hội đồng các trường quốc tế) công nhận 3 trường: BIS, ISHCMC và UNIS (Nguồn: http://portal.cois.org/WCM/CIS/Direc...a-615bcfde61ee) WASC (Hiệp hội các trường miền Tây Hoa Kỳ) công nhận 2 trường: SSIS và UNIS, mới đây thêm trường Bắc Mỹ (SNA). (Nguồn:http://www.acswasc.org/directory_searchlist.cfm)
NEASC (Hiệp hội các trường vùng New England, Hoa Kỳ) công nhận 1 trường: ISHCMC và trường phân nhánh của ISHCMC hệ song ngữ là AAVN. (Nguồn http://caisa.neasc.org/caisa_directo...search_results) COBIS (Hội đồng các trường quốc tế Anh) công nhận 1 trường: ABC (Nguồn:http://www.cobis.org.uk/accredited-members.html)
NHƯ VẬY, CHỈ CÓ 6 TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC CÔNG NHẬN, ĐÓ LÀ: BIS (KHÔNG BAO GỒM BVIS), ISHCMC (BAO GỒM AAVN), UNIS, SSIS, ABC VÀ SNA TRONG ĐÓ 2 TRƯỜNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN KÉP LÀ ISHCMC (CIS & NEASC) VÀ UNIS (CIS & WASC).
Rất nhiều trường mới chỉ là thành viên (member) của các tổ chức kiểm định nêu trên, tuy vậy có một số trường lợi dụng chữ approved candidate for accreditation để quảng cáo giống như là trường đã được công nhận, và một số phụ huynh chỉ xem logo của tổ chức kiểm định, cũng không coi kỹ nên tưởng là trường đã được công nhận rồi.
Tôi không quy chụp những trường chưa/không được công nhận đồng nghĩa với việc họ đào tạo không có chất lượng. Vấn đề là khi không có một tổ chức bên ngoài, độc lập và phi lợi nhuận, đứng ra kiểm định các trường thì không có cơ sở nào để kết luận về chất lượng trường. Chất lượng khi đó chỉ là theo nhận xét cảm tính của phụ huynh/học sinh. Tuy nhiên, những trường tự tin về chất lượng và cam kết đào tạo có chất lượng thường không có lý do gì để từ chối hoặc trì hoãn việc kiểm định chất lượng.
2) QUẢNG CÁO GIÁO DỤC: ĐA ĐOAN KHÓ LƯỜNG
Với sự tiếp tay của những chuẩn mực dễ dãi của báo chí, quảng cáo giáo dục hiện nay là không kiểm soát nổi. Nhân cơ hội này, không ít trường mặc sức "nổ" mà chẳng ai chặn lại. Một nửa bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.
Hàng ngày trên báo Tuổi Trẻ, trường Bắc Mỹ (NSA) vẫn lợi dụng chữ tiếng Anh "approved candidate for WASC accreditation" để nâng lên thành tiếng Việt "được kiểm định bởi WASC", dù rằng trường mới là thành viên (member) của WASC và chưa được kiểm định (accredited).http://www.sna.edu.vn/. (Theo cập nhật mới nhất NSA mới được WASC kiểm định chất lượng vào ngày 23 tháng 5 năm 2014 trong khi mẩu quảng cáo trên đã có mặt từ mấy năm trước)
Không biết vì vô tình hay cố ý, trường BVIS quảng cáo là “Mô hình giáo dục mới, tiên tiến duy nhất tại Việt Nam”. Không rõ ho ọ có biết rằng Luật quảng cáo VN cấm những quảng cáo có tính so sánhhơn nhất và hạ thấp đối thủ không. http://www.bvisvietnam.com/index.php...FUcmpAod5lfR6A
Trường TAS vừa mới thành lập nhưng trong mục Kiểm định chất lượng cũng "hứa" sẽ kiểm định WASC và CIS:http://www.theamericanschool.edu.vn/...mid=90&lang=en.
Trong tiếng Anh, TAS nói là "sẽ":
The American School of Vietnam is committed to providing to our students an American education of the highest quality. To ensure high standards in our programs, the school will seek full accreditation from Western Association of Schools and Colleges (WASC, California) and from the Council of International School (CIS).
Nhưng tiếng Việt nói là "đã":
Trường TAS cam kết cung cấp chương trình giáo dục có chất lượng tốt nhất cho các em học sinh. Nhằm đảm bảo các chuẩn mực trong chương trình, nhà trường đã đăng ký giám định với Hiệp hội các Trường học và Đại học miền Tây Hoa Kỳ (ghi tắt là WASC, ở bang California) và bởi Hội đồng các Trường Quốc tế (ghi tắt là CIS).
Sự thực thì TAS chưa phải là thành viên của WASC và CIS.
Trường quốc tế Singapore thì luôn luôn quảng cáo là "tập đoàn giáo dục Quốc tế Kinderworld", thành lập từ năm 1986, nhưng cái "tập đoàn" đó không có hệ thống trường Kinderworld tại Singapore, và cũng không hề có thông tin về hoạt động giáo dục của "tập đoàn" từ năm 1986 đến trước khi vào VN năm 1999 thì bao gồm những gì. http://www.kinderworld.net/
Trên trang web của CIS (Hội đồng các trường quốc tế), tên của trường Á Châu (bao gồm Trường tiểu học quốc tế + Trường trung học Á Châu:http://aisvn.edu.vn) đã bị rút khỏi danh sách thành viên:
(http://portal.cois.org/WCM/CIS/Direc..._Schools.aspx
Theo tôi điều này là hợp lý, vì trường Á Châu không có triển vọng để trở thành trường được CIS công nhận. Vì đây là trường dân lập dạy chương trình của Việt Nam, cho nên nhiều ý kiến cho rằng trường này và một số trường tương tự như Việt Úc, Vstar, TIS, vv...không được phép tự gọi mình là trường quốc tế, và cần phải gỡ chữ "quốc tế" ra khỏi tên gọi để tránh gây ngộ nhận và ảo tưởng cho phụ huynh, học sinh. Kiến nghị này là rất xác đáng.
Đã lâu rồi, tôi có đọc thông tin Tiến sỹ Mark Ashwill, cựu giám đốc Viện giáo dục Hoa Kỳ (IIE) tại Việt Nam có đưa ra 1 danh sách cảnh báo về 22 trường đại học trôi nổi của Mỹ sang Việt Nam "bán" bằng cấp (nguyên văn: diploma mill), nhưng tôi không để ý có tên trường APU (American Pacific Univeristy). Nguyên văn bài viết của Mark Ashwill ở đây:http://markashwill.com/2012/02/13/ne...rs-in-vietnam/.Sau đó báo Tuổi Trẻ cũng có một phóng sự về vấn đề trường giả, bằng dỏm:http://tuoitre.vn/giao-duc/395076/th...cong-nhan.html. Vậy mà sau vụ đó, trường quốc tế APU vẫn tiếp tục tồn tại, hơn nữa họ còn mở thêm trường American University Vietnam (www.auv.edu.vn) ở Đà Nẵng nữa. Hiện nay trường quốc tế APU vẫn được quảng cáo là một bộ phận của trường Đại học Mỹ Thái Bình Dương (American Pacific University).
Ngoài ra còn vô vàn những trường bản chất là trường dân lập hoặc tư thục (theo đăng ký với Sở GD) nhưng vẫn tự gọi mình là trường quốc tế khiến biết bao nhiêu PH lâu nay cứ phàn nàn: trường quốc tế mà như vậy sao?
3)PHÂN BIỆT TỔ CHỨC CÓ CHỨC NĂNG KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ TỔ CHỨC CUNG CẤP CHƯƠNG TRÌNH HỌC:
Đây là hai định nghĩa dễ gây nhầm lẫn nhất nơi phụ huynh. Để nắm rõ hai khái niệm này chúng ta cần hiểu qua hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến. Không như Việt Nam, các nền giáo dục tiên tiến có sự phân hóa chức năng rất sâu trong bộ máy quản lý giáo dục. Bộ giáo dục của họ chỉ lo những việc vĩ mô như định hình chiến lược phát triển cho giáo dục… còn những việc chuyên môn khác như viết sách giáo khoa, nghiên cứu chương trình giảng dạy..v.v có bộ phận chuyên tu lo tất tần tần. Việc tổ chức hệ thống kiểu này là dựa trên sự phân chia công việc theo tư duy quản lý và tư duy chuyên môn. Người có chuyên môn tốt không chắc là người quản lý tốt. Nên một trường được cấp quyền dạy một chương trình nào đó không đồng nghĩa với việc trường đó đã được kiểm định. Việc trởthành thành viên của một tổ chức nào đó chỉ có ý nghĩa là bạn đóng một khoản phí để sinh hoạt trong câu lạc bộ của tổ chức đó, được truy xuất những thông tin, hoạt động của tổ chức chứ không có nghĩa là bạn được chứng nhận chất lượng bởi tổ chức đó.
Ví dụ cụ thể như sau: IB là tổ chức cung cấp và cấp phép chương trình dạy (authorization), không phải là tổ chức kiểm định chất lượng trường học (accreditation). Khi xem xét chấp nhận một trường tham gia vào mạng lưới trường IB, họ quan tâm đến việc trường học đó có đủ nguồn lực để triển khai chương trình của họ hay không, trong đó có những quy định về IB coordinator, về đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình IB. IB đặc biệt quan tâm đến số năm kinh nghiệm của giáo viên, và họ cũng cung cấp dịch vụ đào tạo và cấp chứng chỉ cho giáo viên giảng dạy chương trình IB. Thủ tục tham gia vào mạng lưới IB World School bao gồm việc đóng lệ phí, thời gian cân nhắc, thời gian là thành viên để chờ được cấp phép (trung bình 2 năm) và sau đó là cấp phép (authorization). Bạn xem thêm thông tin tại đây: http://www.ibo.org/become/index.cfm. Ví dụ AmIS được cấp phép giảng dạy chương trình IBDP, điều đó có nghĩa là họ có đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn để triển khai chương trình IBDP, và IB sẽ liên tục giám sát việc giảng dạy và thành tích thi cử IBDP của trường. Tuy nhiên, IB sẽ không giám sát các chương trình khác của trường như chương trình AP, các bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông. Vì AmIS là thành viên (member) của cả CIS và WASC và đăng ký tham gia kiểm định (candidate for accreditation) nên họ sẽ phải vận hành các chương trình này theo chuẩn của các tổ chức kiểm định trên cho đến khi họ hoàn toàn được chứng nhận (fully accredited). Điều này có nghĩa là, con bạn học tại AmIS, nếu bé không đủ điểm đạt IB hoặc AP(cuộc thi được tổ chức đồng nhất trên toàn cầu) thì bé vẫn được cấp bằng phổ thông trung học nhưng tấm bằng này không được chấp nhận trên thế giới vì trường AmIS chưa được bất kì tổ chức kiểm định nào accredit. Trái lại khi bạn học một trường được accredit có dạy IB, nếu con bạn không đậu IB nhưng đã hoàn tất chương trình trung học phổ thông, con bạn vẫn được nhận bằng trung học phổ thông và tấm bằng này được regconized trên thế giới do trường đã được kiểm định chất lượng.
Có tình trạng một số trường hăng hái đáp ứng các yêu cầu ban đầu để được cấp phép giảng dạy các chương trình của Tổ chức tú tài quốc tế (IB) và chương trình phổ thông quốc tế của ĐH Cambridge(CIE), nhưng khi đạt được mục tiêu rồi thì họ không còn quan tâm đến chất lượng nữa mà chỉ tập trung cho mục đích chiêu sinh. Để tránh cái bẫy này, phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng điểm thi Tú tài quốc tế (IBDP), Trung học đại cương quốc tế (IGCSE) và dự bị đại học (A level, AP) để đánh giá kết quả giảng dạy của chương trình học ra sao, đồng thời yêu cấu trường công bố kết quả của sát hạch thường niên của các tổ chức IB và CIE, trong đó họ thường yêu cầu cụ thể nhà trường phải cải tiến, khắc phục gì.
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)
KỲ TỚI: NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ PHỔ BIẾN-KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON KÌ 1

CHO CON HỌC QUỐC TẾ, MẸ GÁNH ĐUA ĐÒI?
"Nhiều người vẫn thường nghĩ, chỉ có đại gia nhiều tiền lắm của mới cho con học trường quốc tế. Tôi cũng biết xã hội nhiều khi không mấy thiện cảm với cha mẹ cho con học trường quốc tế, hay với học sinh theo học trường quốc tế. Những từ như lai căng, Tây lai, dở Tây dở ta, sính ngoại, thừa tiền rửng mỡ… là những từ rất nặng nề và thiếu tôn trọng, nhưng được dùng rất nhiều cả trên báo chí và
trong các diễn đàn.
Không như nhiều người vẫn nghĩ, ngoài một bộ phận đại gia thật sự, phần lớn các phụ huynh quyết định cho con theo học trường quốc tế mà tôi đã tiếp xúc trong quá trình tìm kiếm thông tin đều là những nhân viên văn phòng, đi làm thuê ăn lương tháng, ví dụ như…vợ chồng tôi. Tôi là người rất kĩ tính với giáo dục, vì đối với tôi, khác với tất cả mọi nghành nghề, sản phẩm của giáo dục là con người. Tôi lớn lên trong nền giáo dục công lập Việt Nam, từng trải qua môi trường trường chuyên lớp chọn, từng thấm thía nỗi niềm đi thi như lao vào cuộc chiến, từng bị ám ảnh bởi
điểm số, bảng xếp hạng, từng thuộc ro ro những định nghĩa hóa học, vật lý hàn lâm nhưng chưa bao giờ thực sự master chúng trong cuộc sống. Tôi đã có may mắn gặp được những người thầy vĩ đại làm thay đổi con người tôi, nhưng cũng gặp những người thầy làm mất đi trong tôi sự yêu thích học tập, khả năng sáng tạo, tinh thần lạc quan, tư duy độc lập…Sau này có cơ hội trải qua thời gian Đại Học tại Thụy Sỹ, tôi càng ý thức rõ sự mất mát về khả năng tư duy qua 12 năm học phổ thông là vô phương bù đắp. Và tôi mong muốn chọn một con đường khác cho con gái tôi.
(trích từ tác giả giấu tên, khi nào tác giả đồng ý, Gánh em sẽ share nhiều thông tin hơn, kể cả từng phần trong bài nghiên cứu gần 2 năm của cổ "THÔNG TIN CÁC TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI SÀI GÒN" với một số thông tin và đánh giá sơ bộ về hệ thống các trường quốc tế nhằm giúp các bậc cha mẹ có một nguồn tham khảo để chọn trường cho con!)
Gánh em thì đơn giản lắm, một thân một mình nuôi con, hồi đó còn chập chững giữa hai lựa chọn VN hay quốc tế, giờ thì kiên quyết rồi!
cả đời em sẽ ở nhà thuê, em ky cóp cho con ăn học. Em không mua nhà, vì em không cần nhà, và em quan niệm rất thoáng: nhà ở hay nhà thuê chỉ khác nhau cái giấy hộ khẩu thôi. Em thì không có ham muốn phải sở hữu cái gì nữa hết sao bao thăng trầm mất mát, em chỉ muốn sở hữu sức khỏe của chính mình, em tin vào sức lao động và sự kiên trì của mình, dẫu có sa cơ lỡ vận, em đi giúp việc nhà cũng phải ít nhất 20t/tháng, chưa kể chạy thêm việc. Khoan ném đá, vì sao em tự tin như vậy, em rất sạch và kỹ, lại biết bày trí, trồng cây, nuôi cá, nấu ăn ngon, em lại bi bô nói được tiếng Anh, lại không có nhu cầu cần đàn ông nên hoàn toàn yên tâm về khoản mối quan hệ với gia chủ
đùa thôi, cái chính là em không bao giờ sợ đói, em chỉ sợ bệnh và tai nạn bất đắc dĩ thôi! Còn lại, em làm được hết cho con em ăn học. Có bao nhiêu gương cha ông ba mẹ hy sinh cả đời làm nông cày cuốc quần quật nuôi con ăn học thành tài, em trong thời buổi này chả lẽ em không làm được?
dĩ nhiên, mất cả gần 2 năm em bị lung lay, em thu thập ý kiến của rất nhiều hộ gia đình điều kiện khác nhau, cho đến giờ hiện chỉ có 2 người ủng hộ, còn lại, bao nhiêu cặp có thu nhập ít nhất 150 triệu/tháng mà họ cũng ngần ngại vì sợ đường dài, trong khi nhà và đất thì họ vài vài căn- đáng lưu ý là họ cũng đam mê cho con học quốc tế nhưng họ quá dè chừng. Em ước gì em có cái ổn định 1/10 của họ!
giữa chừng chọn lựa, em may mắn làm sao có được thông tin cực kỳ hữu ích của cô bạn em, vợ của đồng nghiệp cũ, em rất nể và quý cá tính của cô này, càng nể hơn gấp bội sự kiên trì và kiến thức, quyết tâm học hỏi tìm tòi của cổ trên con đường dạy con (tác giả em đề cập ở trên). Em hy vọng sẽ nhận được chia sẻ nhiều từ các anh chị cô chú đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này!
[ còn tiếp, em sẽ chia sẻ nhiều về trường tạm gọi là quốc tế mà Kevin đang học cùng hàng loạt trải nghiệm khác của mẹ con em ]