Monday 1 December 2014

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 4

LỰA CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 4- NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ PHỔ BIẾN-KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, tôi xin điểm qua các chương trình phổ biến nhất hiện nay bao gồm A Level, IB, AP và song ngữ Nhận xét chương trình Anh hàn lâm, chương trình Mỹ thực tế tuy khái quát theo kiểu "vơ đũa cả nắm", nhưng trong đó có rất nhiều sự thật. Một trong những nguyên nhân của điều này là sự ảnh hưởng của nền văn hóa và xã hội. Trong khi Anh và châu Âu nói chung coi trọng giá trị của di sản, truyền thống và tương đối bảo thủ thì xã hội Mỹ cổ vũ cái mới, sự sáng tạo, sự phá cách, trải nghiệm... Bản thân tôi khi tiếp xúc và làm việc chung cũng nhận thấy, một người Anh rất khác một người Mỹ, từ cách tư duy cho đến lối sống. Không thể nói ai có giá trị hơn ai, vì cả 2 đều là giá trị riêng. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết tại đây www.saigonparents.com/…/15-american-vs-british-internationa…
1) Chương trình A level
Chương trình A-Level kéo dài hai năm dành cho học sinh 16-19 tuổi. Điểm A-Level càng cao thì học sinh càng có cơ hội vào được trường đại học theo nguyện vọng. Chương trình A-Level được các trường đại học trên toàn thế giới công nhận, vì thế, đạt điểm A-Level cao sẽ giúp học sinh mở những cánh cửa đại học. Nhất là tại Anh, để được nhận vào đại học tại Anh, học sinh bắt buộc phải có điểm A-Level. Điểm A-Level cao là điều kiện tiên quyết để vào học các ngành Y, Luật và Cơ khí.
Kỳ thi A-Level tổ chức lần đầu tiên vào năm 1951.
Học sinh chọn môn học A-Level dựa vào định hướng nghề nghiệp và khả năng học tập của chính mình.Thông thường học sinh chọn bốn môn cho năm đầu tiên và chọn ba trong số bốn môn đó để học nâng cao trong năm thứ hai. Ví dụ, học sinh có thể chọn môn Sinh học, Tâm lý học, Kinh tế và Xã hội học cho năm đầu và có thể học Tâm lý học, Kinh tế và Xã hội học cho năm tiếp theo. Học sinh muốn theo học ngành Y có thể chọn môn Sinh học, Hóa học và Thống kê; học sinh muốn theo học ngành Luật có thể chọn môn Chính trị học, Tâm lý học và Luật. Chọn đúng môn học sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Thông thường, học sinh sẽ nộp từ ba đến bốn điểm môn học A-Level vào các trường đại học.Học sinh luôn được khuyên chọn môn học phù hợp với năng lực cũng như khả năng nhận vào học từ trường đại học. Tùy theo trường đại học, một số trường sẽ theo dõi bảng điểm của học sinh trong suốt một hay hai năm học trong khi những trường khác thì chỉ chú ý vào điểm thi cuối năm. Những kỳ thi được chấm điểm một cách độc lập và điểm cao nhất của A-Level là A cho đến thấp nhất là E. Chọn lọc những môn học A-Level Tài chính, Sinh học, Kinh doanh học, Hóa học, Vi tính học, Kinh tế, Văn học Anh, Toán cao cấp, Lịch sử nghệ thuật, Chính phủ và chính trị, Kỹ thuật thông tin, Toán học, Truyền thông học, Triết học, Vật lý, Tâm lý học, Xã hội học, Thống kê học, Phim ảnh, Luật. (Theo Thiệu Nam)
2) Chương trình IB
Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) có ba bậc, bậc cao nhất của IB (The Diploma Programme) dành cho học sinh độ tuổi từ 16 đến 19.Chương trình này được thiết lập như cấp 3/dự bị đại học cho học sinh các trường quốc tế.Với một kết cấu các nhóm môn học và giáo trình khá toàn diện, IB được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và đánh giá cao, đặc biệt ở Hoa Kỳ và châu Âu. Chương trình IB kéo dài hai năm, thường bắt đầu từ năm lớp 11 và được công nhận là chương trình học để chuẩn bị vào đại học tốt trên thế giới. Giáo trình IB gồm có sáu nhóm môn học:
1. Ngôn ngữ A1 (ngôn ngữ thứ nhất – thường là tiếng mẹ đẻ
2. Ngôn ngữ thứ hai
3. Cá nhân và xã hội (các môn xã hội)
4. Khoa học tự nhiên
5. Toán học
6. Các môn nghệ thuật Các trường dạy IB có khá nhiều tự do trong việc chọn môn học cho từng nhóm, đặc biệt là những nhóm có lựa chọn khá đa dạng như Ngôn ngữ thứ hai hay các môn xã hội, v.v… Giáo trình IB đa dạng, có nhiều hình thức trao đổi và nâng cao kiến thức cho học sinh: thảo luận trong lớp, thí nghiệm khoa học, bài luyện tập rèn luyện sự sáng tạo, thi vấn đáp…, giúp hoàn thiện kỹ năng học và nghiên cứu về nhiều mặt.
Ngoài ra, để đạt đủ tiêu chuẩn nhận bằng IB, học sinh còn cần hoàn thành một bài luận nghiên cứu tự chọn dài 4.000 từ (Extended Essay – EE) và một khóa học “Lý thuyết của nhận thức” (Theory of Knowledge – TOK) kéo dài một năm giúp học sinh đặc biệt trong lứa tuổi đang trưởng thành định hình rõ ràng hơn về con người và cuộc sống. Những yêu cầu này là sự chuẩn bị quan trọng và bổ ích cho định hướng tương lai cũng như môi trường học tập ở đại học sau này.
Chương trình IB khuyến khích học sinh xây dựng ý thức tầm nhìn quốc tế.Nghĩa là học sinh cần có sự hiểu biết về các vấn đề toàn cầu, sự quan tâm đến người khác trong cộng đồng và rộng hơn ra thế giới.IB cũng đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết về nền văn hóa của nước mình, ý thức về dân tộc mình.Vì vậy, mọi học sinh IB phải thông thạo tối thiểu hai ngôn ngữ. Qua quá trình học IB, học sinh sẽ phát triển các kỹ năng để sống và làm việc trong môi trường quốc tế, vốn rất cần thiết trong cuộc sống ở thế kỷ XXI này. Chương trình mang lại một nền giáo dục cân bằng, đào tạo học sinh toàn diện và đem lại sự chuẩn bị tốt nhất cho bậc đại học và giai đoạn trưởng thành.
Điểm cao nhất cho mỗi môn học của IB là 7, điểm tuyệt đối cho sáu môn là 42.EE và TOK sẽ có điểm thưởng là 3 điểm. Vì điểm cuối cùng của IB chỉ có sau khi hoàn tất hai năm học, trong quá trình học sinh nộp hồ sơ sang các trường đại học Hoa Kỳ và tùy từng đại học ở các nước khác, các thầy cô tại trường dạy IB sẽ được yêu cầu đưa ra một điểm dự đoán (Predicted Grade – PG) cho học sinh ở môn học của mình làm cơ sở cho các trường đại học đánh giá năng lực và xét hồ sơ của học sinh.
3)Chương trình AP
4)Chương trình song ngữ
Rất nhiều trường học ở Việt Nam cung cấp chương trình học song ngữ, và được phụ huynh chấp nhận rộng rãi, dù rằng các nhà quản lý giáo dục nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng đại đa số các trường hợp này "tự phong" là "trường song ngữ".
Trái với cách hiểu nôm na "song ngữ là 2 ngôn ngữ", tức là trường giảng dạy bằng 2 thứ tiếng, ví dụ tiếng Việt và tiếng Anh, "giáo dục song ngữ" là một lĩnh vực của giáo dục học đã được nghiên cứu rất sâu và phát triển rất mạnh cùng với sự phổ biến của tiếng Anh và các trường "quốc tế". Có 1 vài mô hình song ngữ được thừa nhận rộng rãi:
a) Transitional: Là mô hình giảng dạy cho học sinh bằng tiếng mẹ đẻ đến một lứa tuổi nhất định rồi chuyển hẳn sang giảng dạy khoa học bằng ngôn ngữ thứ 2. Tại TPHCM hiện có Kinderworld/SIS.
b) Dual-language: Là mô hình giảng dạy song song bằng 2 ngôn ngữ, trong đó 1 số môn học bằng tiếng mẹ đẻ (thường là các môn mang tính local như tiếng địa phương, văn hóa địa phương, lịch sử, địa lý, đạo đức/phong tục tập quán địa phương) và các môn khoa học khác bằng ngôn ngữ thứ 2 (thường là các môn mang tính quốc tế như toán học, khoa học, khoa học xã hội, ICT...). Ví dụ tại VN là hệ CCC của ISHCMC, BCIS của CIS, BVIS của BIS.
c) Developmental: Học sinh học tập bằng tiếng mẹ đẻ, và học thêm một ngôn ngữ khác (tiếng Anh) và chuyển đổi các tri thức khoa học và kỹ năng sang tiếng Anh. Ví dụ này tương đồng với các trường dạy chương trình Việt Nam có tăng cường tiếng Anh.
Ở Việt Nam và một vài nước châu Á khác, ví dụ Thái Lan, vẫn tồn tại mô hình "song ngữ" gây nhiều tranh cãi, là giảng dạy cùng một nội dung khoa học bằng 2 thứ tiếng. Ví dụ, buổi sáng học sinh học chương trình của Việt Nam bằng tiếng Việt, buổi chiều học chương trình "quốc tế" bằng tiếng Anh, dù nội dung khoa học của 2 chương trình gần như tương đồng, chỉ khác về ngôn ngữ giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Nhiều nhà khoa học và giáo dục học không thừa nhận mô hình này, vì nó tạo ra sự "quá tải" và "lặp lại" cho học sinh, mà theo họ là không có cơ sở khoa học hợp lý.
Hầu hết các trường "quốc tế" hoạt động tại VN hiện này đều có giảng dạy các môn Văn, Sử, Giáo dục công dân, Địa lý cho học sinh VN theo quy định của Bộ GD-DT. Như vậy, trừ những học sinh quốc tịch nước ngoài và không học tiếng Việt, quy định của Bộ bắt buộc các trường dù "quốc tế 100%" cũng phải áp dụng giáo dục song ngữ ở các mức độ khác nhau cho học sinh quốc tịch Việt Nam Có thể tham khảo thêm quan điểm của Cambridge International Examinations (CIE) về giáo dục song ngữ tại:http://www.cie.org.uk/qualifications...gual_education
KỲ TỚI: NHỮNG ĐIỀU CẦN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI CHỌN TRƯỜNG CHO CON
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)

No comments:

Post a Comment