Tuesday 25 November 2014

Trẻ em như bọt biển

Hãy nhận thức rằng: trẻ em như những bọt biển, chúng hấp thụ mọi thứ xung quanh. Nếu cha mẹ chúng làm điều tốt thì chúng cũng sẽ học hỏi theo. Chúng làm theo những gì bạn làm chứ không phải những gì bạn nói.
Đừng mất thời gian suy nghĩ quá nhiều về những ứng xử sai lầm của bạn với con trước đây. Hãy làm mới mình để bản thân tràn đầy năng lượng. Khi bạn vui vẻ và khỏe mạnh, cách bạn đối xử với con cũng sẽ dễ chịu hơn.
Để con tự tin trải nghiệm những điều xung quanh bằng chính đôi chân của chúng. Hãy để con trẻ tự giải quyết những vấn đề, tự vực dậy bản thân và bước qua những nỗi buồn. Con trẻ sẽ càng cứng rắn hơn.
Hãy tập cho mình suy nghĩ những sai lầm, những tai nạn là cơ hội để bạn rút ra nhiều bài học trở thành cha mẹ tốt.
Không nên so sánh những đứa trẻ với nhau và ấn định tính cách của chúng. Việc bạn ấn định tính cách một đứa trẻ, dù là tích cực, thì cũng sẽ tạo ra một kết quả xấu - đó là lối suy nghĩ cố định của trẻ: người đó (hoặc chính là bé) chỉ là xấu hoặc là tốt. Trong khi cuộc sống thì luôn thay đổi. Suy nghĩ cố định còn gây ra hậu quả làm ức chế sự tăng trưởng về tinh thần của trẻ.
Hãy cố gắng khuyến khích con trẻ làm càng nhiều việc tốt càng tốt. Sau mỗi lần như thế, hãy dành lời khen cho trẻ để trẻ tự hào về những gì mình đã làm và sẽ có động lực cho những lần sau.
Thiết lập những quy định rõ ràng và nhất quán. Những đứa trẻ cần biết cái gì được phép và cái gì không và khi chúng làm điều gì không đúng sẽ bị phạt. Vì thế, bạn cần nhất quán trong việc khen phạt trẻ. Nếu không, những đứa trẻ sẽ không biết điều gì tốt - xấu sẽ xảy ra khi chúng làm một việc.
(Sưu tầm)

5 bí quyết dạy con

Chuyên gia Harvard tiết lộ cách dạy con
Theo Richard Weissbourd, một chuyên gia tâm lý của Đại học Harvard thì điều quan trọng khi nuôi dạy con trẻ không phải là cố ép chúng trở thành thiên tài mà phải dạy được chúng cách sống "tử tế, nhân hậu".
Một cuộc thăm dò do Weissbourd tiến hành mới đây đã cho thấy các bậc phụ huynh bị ám ảnh bởi thành tích học tập của con cái hơn là về tình cảm, tính cách của chúng. Tỷ lệ phụ huynh cảm thấy tự hào nếu điểm số ở lớp của con mình cao hơn các bạn cùng lớp nhiều gấp 3 lần so với những người hạnh phúc khi con mình tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chăm sóc cộng đồng do trường tổ chức.
Chính vì thế, Weissbourd đã đưa ra những khuyến nghị về cách nuôi dạy trẻ để chúng trở thành những người "biết quan tâm, tôn trọng người khác và sống có trách nhiệm" khi trưởng thành. Bạn tự hỏi tại sao những phẩm chất này lại quan trọng? "Đó là vì nếu như muốn con bạn trở thành người tốt, bạn cần phải nuôi dạy chúng như vậy".
"Nhân chi sơ tính bản thiện. Một đứa trẻ ra đời chưa biết thế nào là tốt hay xấu, do đó, chúng ta không bao giờ được phép định kiến hay dễ dàng bỏ cuộc. Chúng cần sự giúp đỡ của người lớn để biết cách quan tâm, yêu thương người khác, sống trách nhiệm với cộng đồng dù ở bất cứ lứa tuổi nào".
Dưới đây là 5 bí quyết để nuôi dạy trẻ theo hướng như vậy, theo lời Weissbourd.
1. Luôn đặt việc quan tâm tới người khác lên hàng đầu
Vì sao? Các bậc cha mẹ thường có xu hướng coi trọng thành tích học tập cũng như niềm vui của con mình hơn là cách sống "vì người khác". Nhưng trẻ em cần phải học được cách cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của người khác, dù cho đó là cho bạn mượn quả bóng hay là đứng ra bảo vệ một người bạn bị bắt nạt.
Bằng cách nào? Trẻ cần được bố mẹ dạy dỗ thường xuyên rằng: luôn phải quan tâm đến người khác. Hãy luôn nhắc nhở trẻ về sự "cam kết", kể cả khi trẻ không vui về điều đó. Lấy thí dụ, trước khi con bạn muốn bỏ đội bóng, ban nhạc hay nghỉ chơi với một bạn nào đó, chúng ta nên hỏi trẻ rằng chúng đã cân nhắc xem quyết định đó có ảnh hưởng đến tập thể và các bạn hay không. Cũng đừng quyên khuyến khích trẻ nghĩ cách giải quyết vấn đề trước khi từ bỏ.
Hãy thử:
• Thay vì nói: "Điều quan trọng nhất là con thấy vui", hãy nói với chúng: "Điều quan trọng nhất là con sống có trách nhiệm".
• Hãy đảm bảo rằng những đứa trẻ lớn luôn đối xử với em bé hơn một cách tôn trọng, kể cả khi chúng đang mệt hay bực tức.
• Nhấn mạnh vào sự yêu thương khi trò chuyện cùng những người lớn khác có vị trí quan trọng trong cuộc sống của trẻ, thí dụ như hãy hỏi giáo viên của trẻ rằng ở trường, trẻ có đối xử tốt với bạn hay không.
2. Luôn tạo cơ hội để trẻ tập quan tâm, chăm sóc người khác
Vì sao? Không bao giờ là quá muộn để trở thành người tốt, nhưng không có sự hướng dẫn, dìu dắt của người lớn, trẻ sẽ không thể tự mình trưởng thành được. Chúng cần được thực hành thường xuyên việc quan tâm, chăm sóc người khác, cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với những ai yêu thương, quan tâm tới chúng. Các nghiên cứu đã cho thấy những ai có thói quen bày tỏ sự biết ơn cũng có xu hướng hào hiệp, tận tâm, vị tha hơn. Khả năng họ sống khỏe mạnh, hạnh phúc cũng cao hơn so với những người sống chỉ biết mình.
Bằng cách nào? Học cách yêu thương, chăm sóc người khác cũng giống như học chơi một môn thể thao/chơi một nhạc cụ vậy. Phải thực hành mỗi ngày, lặp đi lặp lại. Dù là giúp bạn làm bài tập về nhà hay đỡ người già qua đường. Hãy biến sự quan tâm thành bản năng ở trẻ.
Hãy thử:
- Không thưởng quà cho trẻ cứ mỗi khi trẻ giúp bố mẹ việc nhà (như lau bàn ăn chẳng hạn). Nên để trẻ hiểu việc đỡ đần bố mẹ, anh chị em, hàng xóm là việc hết sức bình thường. Chỉ khen ngợi, thưởng quà cho những hành vi tốt "bất thường" mà thôi.
- Hãy trò chuyện với trẻ về những hành vi thờ ơ và quan tâm trên truyền hình, về sự công bằng hoặc bất công mà trẻ chứng kiến trong đời thực hay nghe trên bản tin.
- Hãy dạy trẻ dành một phút biết ơn mọi người trước bữa ăn, trước khi đi ngủ... Sẵn sàng nói lời cảm ơn với người khác.
3. Mở rộng mối quan tâm của trẻ
Vì sao? Hầu hết trẻ em chỉ quan tâm đến bạn bè và gia đình của chúng. Thách thức của chúng ta là phải giúp chúng vượt ra khỏi vòng tròn nhỏ hẹp đó.
Bằng cách nào? Trẻ cần được học cách lắng nghe và chú ý đến những nhân tố mới xuất hiện trong cuộc sống của chúng, để ý đến những người yếu đuối, cần sự giúp đỡ.
Hãy thử:
- Hãy dạy trẻ luôn thân thiện và tử tế với những người mới gặp, kể cả khi đó chỉ là một chú tài xế xe buýt hay một cô phục vụ bàn.
- Khuyến khích trẻ quan tâm đến những người yếu đuối, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi giúp đỡ người khác.
- Sử dụng một tờ báo hoặc mẩu tin trên TV để khuyến khích trẻ nghĩ về những khó khăn mà trẻ em ở các nước nghèo đang gặp phải.
4. Hãy là tấm gương lớn nhất cho trẻ
Vì sao? Trẻ sẽ học các giá trị đạo đức bằng cách quan sát hành động của những người thân thiết nhất với chúng. Bạn không thể mong chúng cư xử tốt với một người nếu bản thân bạn luôn tỏ ra hằn học, ghét bỏ người đó.
Bằng cách nào? Bạn phải thành thật, công bằng với trẻ và luôn quan tâm đến người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải cố làm người hoàn hảo. Để trẻ tôn trọng và tin tưởng chúng ta, các bậc phụ huynh cần biết thừa nhận sai lầm và điểm yếu của mình trước trẻ. Bạn cũng cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của chúng.
Hãy thử:
- Hãy tham gia các hoạt động cộng đồng ít nhất 1 lần/tháng và rủ cả gia đình dự cùng.
- Hãy hỏi trẻ về những tình huống khó xử mà chúng gặp phải trong ngày khi cả nhà đang ăn tối cùng nhau, giúp trẻ tìm ra cách giải quyết những tình huống đó.
5. Hướng dẫn trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực
Vì sao? Thường thì khả năng quan tâm tới người khác luôn bị lấn át bởi sự giận dữ, xấu hổ, ghen tỵ hoặc vô số cảm xúc tiêu cực khác.
Bằng cách nào? Chúng ta cần dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều là bình thường, nhưng trẻ cần học cách tiết chế những cảm xúc tiêu cực.
Hãy thử: Đây là một cách đơn giản để trẻ bình tĩnh trở lại: Hãy yêu cầu trẻ dừng lại, hít thở thật sâu qua đường mũi rồi thở ra đường miệng. Sau đó đếm đến 5. Hãy tập luyện việc này cùng trẻ khi trẻ đang bình tĩnh. Sau đó, bất cứ khi nào thấy trẻ bực bội, giận dữ, hay nhắc trẻ nhớ các bước nói trên và làm việc đó cùng trẻ. Một lúc sau, khi trẻ đã giảm xúc động, hãy để trẻ có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình một cách bình tĩnh hơn.
Y Lam
(Sưu tầm)

Quy tắc đồ lót

Rachel hoảng hốt phát hiện con gái bị bạn của bố mẹ chạm vào vùng kín nhờ "Quy tắc đồ lót".
Kể lại câu chuyện đã xảy ra với con gái mình, Rachel, một bà mẹ người Anh vẫn không thôi tức giận và hoảng hốt.
Rachel đã vô cùng choáng váng khi cô con gái nhỏ của mình, Hannah (giấu tên) tình cờ tiết lộ cho mẹ nghe rằng vùng kín của cô bé đã bị Ron Wood, một người bạn rất tin cậy của gia đình chạm vào.
“Tôi đã không nghĩ rằng phải nói chuyện với Hannah về tình trạng lạm dụng tình dục cho đến khi con bé được 3 tuổi vì theo tôi, đơn giản trước đó, Hannah còn quá bé và mọi chuyện sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Hôm đó, khi con được 3 tuổi, tôi mới quyết định dạy con về “Qui tắc đồ lót”.
Tôi nói với con là “Khi con đã mặc đồ lót vào, chỗ đó là dành riêng cho con. Không ai có thể chạm vào đó”. Tôi chờ đợi Hannah nói “dạ” một cách đơn giản. Vậy nhưng con bé lại nói “Nhưng chú Ron đã cho tay vào chỗ đấy của con”.” Rachel kể lại.
Trong sự hoài nghi, Rachel và chồng cô, Mark (giấu tên) đã hỏi con gái thật cẩn thận về những gì Ron đã làm với cô bé. Cặp đôi này đã thân thiết với Ron 10 năm nay nhưng chưa bao giờ biết rằng Ron đã từng ở nhà một mình với Hannah khi gã đến thăm gia đình họ.
“Chúng tôi gặp Ron và vợ của hắn rất nhiều lần. Từ những gì Hannah kể cho chúng tôi nghe, Ron thường tận dụng mọi cơ hội để có được vài phút ở một mình với Hannah và lạm dụng bé. Ron thường rủ Hannah chơi trốn tìm và hay trốn cùng con bé trong phòng ngủ và làm chuyện đó. Hannah nói với chúng tôi rằng Ron đã làm rất nhiều lần”.
Ron, 60 tuổi, sau đó đã bị đi tù 8 năm vì tội lạm dụng tình dục. Hannah phải mất một thời gian dài sau đó mới có thể hồi phục tâm lý sau một chuỗi dài những buổi kiện cáo và ra tòa làm chứng để luật pháp trừng trị kẻ lạm dụng mình.
Rachel, mẹ của Hannah hiện giờ đang làm việc cho một tổ chức có nhiệm vụ kêu gọi các bậc phụ huynh hãy sớm nói với con mình về “Qui tắc đồ lót”.
“Tôi biết nhiều phụ huynh ngại nói chuyện với con về vấn đề này. Tuy nhiên đừng quan trọng hóa nó quá. Hãy nói với con đơn giản như một cuộc trò chuyện bình thường hàng ngày.”
***Qui tắc đồ lót – PANTS rules***
P – Private : Riêng tư
Hãy nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé. Một số người nhưng bác sĩ, y tá hay bố mẹ có thể. Tuy nhiên những người đó phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì. Và cần có sự đồng ý của con trước khi thực hiện.
A – Always remember your body belongs to you : Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con
Để trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”
N – No means no: Không là không
Cần khiến trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T – Talk: Nói về những điều bí mật khiến con buồn
Cha mẹ cần giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật ‘tốt’ và ‘xấu’. Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình’ thường là các những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật ‘tốt’ có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật ‘xấu’ là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
S – Speak up: Lên tiếng
Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng. Không nhất thiết phải là bố mẹ. Đó có thể là chị gái, hay cô giáo…

Sunday 23 November 2014

Dạy con nên người bằng cách dùng ngôn ngữ tích cực

Đừng hạ thấp con mình khi gọi con là thằng nhà em, nó, con này... mà hãy luôn gọi con một cách tôn trọng: Bé nhà em, con em, cháu nhà em, bạn nhà em...


Ngôn ngữ là điều kỳ diệu của văn minh nhân loại, công cụ của trí thông minh, công cụ giao tiếp, công cụ để lưu kiến thức từ đời này sang đời khác. Nghiên cứu sự thay đổi về ngôn ngữ sẽ thấy cả tiến trình phát triển của loài người vì khi có thêm bất cứ một cái gì được phát minh, được tìm ra, điều đầu tiên người ta làm là đặt tên cho thứ đó.
Ngôn ngữ thể hiện trình độ văn hóa. Khi nghe một người nói, bạn cũng có thể hình dung phần nào về con người đó, từ giọng nói, cách nói, cách chọn từ, ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng giao tiếp...
Bố mẹ và mọi thành viên trong gia đình là những người thầy ngôn ngữ đầu tiên của trẻ. Sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến trình độ văn hóa, sự phát triển nhân cách, tâm lý và thái độ sống của bé ngay từ khi mới ra đời. Để giúp con, bố mẹ hãy thử áp dụng những thay đổi nhỏ dưới đây xem sao:

1. Đừng dùng ngôn từ thô tục. Nên nói với trẻ “Đi vệ sinh”, chứ đừng bao giờ nói “Đi ỉa, đi đái đi” bô bô trước mặt người khác. Trẻ đánh bủm cũng không nên nhận xét bàn tán...

2. Đừng “Vâng, dạ, ạ” khi nói chuyện với trẻ. Nhiều ông bà, bố mẹ làm thế vì muốn trẻ bắt chước để cũng gọi dạ bảo vâng. Vấn đề không phải ở chỗ trẻ nói được các từ đó. Cái bé cần học là biết nói những từ đó với người lớn tuổi hơn mình. Nếu bạn muốn con sử dụng những từ đó thì hãy cư xử như thế với bố mẹ mình, với những người nhiều tuổi hơn mình xung quanh để bé hiểu. Người lớn dạ vâng với em bé là làm mẫu sai trật tự xã hội và sai cách dùng tiếng Việt.

3. Đừng bắt trẻ ạ đi rồi mới cho cái này cái kia. Ạ thể hiện sự tôn trọng chứ không phải là hành động có điều kiện. Trẻ yêu tất cả mọi người xung quanh vô điều kiện mà khi muốn cái gì thì phải ạ mới được cho. Chẳng phải chúng ta đang dạy trẻ mọi thứ đều có điều kiện hay sao? Thế là đến một lúc khi bạn không đồng ý cho trẻ cái gì, bé quay lại bảo “Con không yêu mẹ nữa đâu đấy nhé. Mẹ phải cho con ăn kẹo con mới yêu mẹ”.

4. Đừng dùng những cụm từ tiêu cực như đối phó với trẻ, ăn vạ, quấy, lười học, chậm như sên... mà hãy luôn chọn từ ngữ tích cực khi nói chuyện với con, nói về con. Trẻ không phải là kẻ thù để phải đối phó. Trẻ không ăn vạ mà là đang thể hiện chính kiến của mình. Trẻ không lười học mà vì học theo cách không phù hợp thì trẻ làm sao thích được.

5. Đừng bàn luận hay nhận xét trẻ. “Con bé nhà em lười ăn khổ lắm”; “Thằng nhà em yếu lắm hơi tí là lăn ra ốm”; “Nó nghịch như giặc không ai trông được đâu”; hay phổ biến nhất là các bé bị nhận xét hư. Cứ không theo ý người lớn là thành hư chứ không ai hiểu trẻ chỉ đang thử thách các biên giới xung quanh mình xem có đúng là cần phải thế hay không... Bạn có muốn bị ai miêu tả như thế không? Kể cả bạn có như thế bạn cũng không thích ai nhận xét như vậy hay mang bạn ra bình luận với người khác. Thế nhưng chúng ta làm vậy với con mình. Những đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ.

6. Đừng đặt mình lên vị trí cao hơn trẻ. Các thầy cô giáo không bao giờ nói dạy học, mà chỉ nói “Cô hướng dẫn con trước rồi con sẽ tự làm nhé”; “Lại đây, cô chỉ cho con xem cái này thú vị lắm”; “Cô sẽ giúp con một tay nhé?”..., vì quá trình học sẽ là do trẻ tự làm chứ không phải do cô dạy trẻ mới biết học. Chỉ là từ khác nhau nhưng thể hiện sự tôn trọng của các cô với trẻ.

7. Đừng dùng câu hỏi hay câu phủ định. Ví dụ, thay vì “Sao lại đổ nước ra sàn như thế?” thành “Nước này là để uống con à”; “Không được nhảy nhót trên giường của mẹ” thành “Giường là nơi để nằm ngủ”; “Có ngừng ném đồ chơi ngay lại không?” thành “Lego là để xếp hình. Con muốn ném thì đi ném bóng rổ”; “Sao cứ gào toáng lên thế?” thành “Nói to là mất lịch sự đấy con ạ”...

8. Đừng suy nghĩ tiêu cực. Em bé bê cốc sữa từ bếp ra bàn để uống bị đổ ra ngoài, mẹ hãy nói “May thật, may mà con chỉ làm đổ một tí thôi nhỉ. Đổ nhiều thì chẳng còn gì để uống”. Bé vẽ ra ngoài hình tô màu, có thể bảo: “Chỉ hơi ra ngoài tí thôi. Bao giờ tay con khéo hơn thì tất cả các nét sẽ nằm gọn trong hình vẽ”. Bé bị ngã, mẹ hỏi: “Có gãy cái gì không con? Không à? May quá, gãy cái gì thì đã phải đi bệnh viện bó bột rồi. Xước một tí về chỉ cần bôi thuốc sát trùng là tự khỏi luôn”...
Cách nói như vậy thứ nhất là để bé học cách luôn bình tĩnh xử lý vấn đề; thứ hai là chuyện đã xảy ra rồi, nhìn một cách tiêu cực chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Chẳng phải khi luôn suy nghĩ như vậy cuộc sống tươi đẹp hơn biết bao?

9. Đừng ra lệnh. “Không được đánh bạn. Bố nói con có nghe không?” thành “Mọi người đều phải tôn trọng nhau. Đánh người là vi phạm pháp luật”. “Con chào các cô các bạn đi rồi về. Người lớn nói thì phải nghe chứ” thành “Khi về bao giờ mình cũng chào tạm biệt mọi người con à”... Khi nói thế, bạn muốn truyền thông điệp trật tự xã hội là thế, cách cư xử quy định theo văn hóa Việt Nam là thế. Ai cũng làm thế dù là người lớn hay trẻ con. Chứ không phải là con bị người lớn bắt làm theo ý mình. Sau này bé cũng biết cách cư xử khi tham gia vào các cộng đồng, biết tôn trọng mọi người chứ không áp đặt những người ít tuổi hơn mình.
Cứ như thế, suốt những năm còn bé, sử dụng ngôn ngữ tích cực với bé là cách bố mẹ thể hiện sự tôn trọng con, giúp bé hình thành thái độ sống tích cực ngay từ nhỏ, giúp bé học cách tôn trọng mọi người. Cùng lúc, bố mẹ đã giúp trang bị các kỹ năng là lợi thế cho bé suốt cả cuộc đời sau này trong cuộc sống riêng cũng như khi tham gia vào xã hội.
Lê Mai Hương- 
Giáo viên Montessori

Phương pháp dạy con của người Mỹ khác xa với người Việt Nam chúng ta. -


1. Dạy trẻ từ tính tự lập
Người Mỹ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công. Nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn.
Các kỹ năng tự phục vụ của trẻ gồm: Buộc dây giầy, mặc quần áo, cài cúc áo, kéo phéc-mơ-tuya, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm…Chẳng hạn, để dạy trẻ tự mang giày, họ thường đưa cho trẻ những đôi giày to hơn một chút so với cỡ chân của các em. Hoặc để dạy trẻ tự rót nước sữa, họ đưa cho trẻ những bình sữa có miệng to, giúp trẻ thực hiện công việc một cách dễ dàng hơn. Cách làm như vậy sẽ gây cho trẻ hứng thú cũng như tự tin trong việc hoàn thành các “nhiệm vụ”.
2. Sự lễ phép
Trong các trường mẫu giáo ở Mỹ, mỗi khi có một bạn nhỏ hắt xì, sẽ phải nói với những người bạn xung quanh của em rằng: “Xin lỗi!”, ngược lại, những người bạn của em sẽ nói: “Chúc phúc cho cậu!”. Điều này đã trở thành một hành vi tự giác của trẻ.
Đối với những trẻ em phạm lỗi, không nghe lời,… người ta thường dùng phương pháp “phạt ở một mình”. Lý do là, trẻ em ở độ tuổi này sợ nhất việc phải ở một mình. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tính khoa học của nó. Khi trẻ bình tĩnh trở lại, mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Tất nhiên, việc “giam” một mình đối với trẻ có phần nào đó khó chấp nhận đối với các bậc phụ huynh, tuy nhiên, nó có thể tạo được ảnh hưởng tích cực, đó chính là giúp trẻ hình thành thói quen giữ bình tĩnh trở lại khi đang tức giận.
3. Hai mươi phút quan trọng trong ngày
Nhiều nhà giáo dục Mỹ kêu gọi các bậc cha mẹ dành 20 phút mỗi ngày để đọc sách cho con cái của mình nghe. Hai mươi phút là thời gian không dài nhưng sẽ rất hữu ích với trẻ.
Qua giọng đọc rủ rỉ của cha mẹ mỗi ngày, hứng thú về việc đọc sách sẽ dần được hình thành trong trẻ. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chứng minh, việc được nghe đọc sách thường xuyên có thể giúp trẻ tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và kiến văn cho trẻ… Vì thế, ở Mỹ, các chuyên gia đều khuyên phụ huynh đọc sách cho trẻ nghe càng sớm càng tốt.
Sưu tầm

Wednesday 19 November 2014

Li hôn!


Phải đối xử với bản thân mình tốt một chút vì một đời người đâu có dài. Phải đối xử tốt với những người bên cạnh ta, vì kiếp sau đâu ai biết là còn có thể gặp nhau nữa hay không! Người ta nói: “Tu 100 năm được ngồi chung thuyền, tu 1000 năm mới cùng chăn gối.” Vậy nên, hãy biết trân trọng những hạnh phúc nhỏ nhoi và bình thường bên cạnh bạn.
Một căp vợ chồng đã lấy nhau được 20 năm thì quyết định li hôn. Nguyên nhân là từ khi kết hôn hai người luôn cãi vã, bất đồng ý kiến, tính cách không hợp. Nếu không phải lo cho con thì hai người đã đường ai nấy đi rồi. Dường như chỉ cần đợi con trưởng thành, không để cha mẹ phải lo lắng thì 2 người sẽ sống cuộc sống tự do của mình, không cần phải nhẫn nhịn những cuộc cãi vã vô nghĩa nữa.
Họ quyết định li hôn.
Sau khi kí đơn li hôn, 2 người đi ra từ văn phòng luật sư, người chồng đề nghị: “Ăn cơm cùng nhau một bữa nữa nhé!” Người vợ nghĩ rằng, tuy đã li hôn rồi, nhưng hai người cũng không phải là kẻ thù, ăn bữa cơm cũng chẳng có gì không được cả.
Vào nhà hàng ăn, người phục vụ mang lên một đĩa cá chua ngọt, người chồng liền gắp một miếng cá cho người vợ và nói: “Em ăn đi! Đây là món ăn em thích nhất mà.”
Người vợ lúc ấy đỏ hoe 2 mắt, nói: Em thất vọng quá, tại sao anh cứ luôn khăng khăng làm theo ý mình, cái gì cũng tự mình đưa ra rồi quyết định, không quan tâm đến cảm nhận của em vậy. Kết hôn lâu như vậy rồi, lẽ nào anh không biết cả đời này món em ghét nhất chính là cá sao?”. Lúc này người chồng cũng nghẹn ngào nói: “Em luôn không hiểu tình cảm của anh dành cho em, lúc nào anh cũng nghĩ phải khiến em vui thế nào, luôn dành cho em những gì tốt nhất. Em biết không, cả đời này món mà anh thích nhất chính là————cá chua ngọt.”
Hai người yêu thương nhau như thế, lại vì những vấn đề không hợp nhau mà chia cách. Đây là vấn đề tình yêu, hay là vấn đề về hôn nhân?Sau bữa ăn ấy mỗi người một ngả, anh đi đằng đông thì cô đi đằng tây, 2 người đều sợ mình sẽ hối hận, nên giao ước là trong 1 tháng sẽ không gọi điện cho nhau.
Người chồng đi được 2 bước thì có điện thoại gọi đến, là điện thoại của người vợ. Anh do sự rất lâu, cuối cùng cũng không nghe. Anh trở về nhà, cả đêm cứ trằn trọc không ngủ được, trong lòng nóng như lửa đốt, dằn vặt vô cùng. Anh suy nghĩ rất lâu, cuối cùng đã gọi điện cho vợ thể hiện sự hối hận của mình.
Lại không có ai bắt máy cả. Sau khi gọi rất nhiều lần rồi, cuối cùng có người nhận, lại là giọng của 1 người đàn ông lạ: “Alo, xin chào!” Trong lòng người chồng như có dao cắt, không cách nào giải thích được.
Đang lúc giận dỗi tuan cúp máy thì đầu dây bên kia lại nói: “Cho hỏi anh là ai vậy?Trong điện thoại rõ ràng hiện lên 2 chữ: “ông xã.”
“Alo, tôi là chồng cô ấy, anh là ai?” Trong câu nói biểu lộ rõ ý thách thức. “À, tôi là bác sĩ, mời anh nhanh chóng đến bện viện XXX ngay, vợ của anh bị tai nạn, hiện đang cấp cứu!” Lời bác sĩ như sấm đánh ngang tai anh, anh lao nhanh đến bệnh viện. Hóa ra sau khi 2 người chia tay ngày hôm đó, tinh thần cô ấy không ổn, lúc qua đường bị xe ô tô đâm vào. Người vợ trước khi bất tỉnh đã gọi điện cho chồng, nhưng anh lại không bắt máy.
“Bác sĩ, vợ tôi thế nào rồi, ông nhất định phải cứu cô ấy! Tôi năn nỉ ông!” Nói rồi, anh quỳ gối trước bác sĩ. Bác sĩ liền đỡ anh ta đứng lên, “ Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức cứu cô ấy, bây giờ đang phẫu thuật, đầu cô ấy bị va đập nghiêm trọng, cho dù có tỉnh lại cũng trở thành người thực vật. Anh phải chuẩn bị tinh thần!”
Người chồng hoảng hốt, bất an, anh cứ đi đi lại lại ở hành lang, “Nếu như cô ấy chết đi, tôi phải làm sao đây?Tôi làm thế nào mới đối diện được với chính mình?”
Đèn phòng cấp cứu đã tắt.
Các bác sĩ đẩy cửa bước ra, 1 vị bác sĩ già nhất đến trước mặt anh, “Chúng tôi đã cố hết sức, cô ấy có lẽ không sống được đến sáng mai. Anh vào thăm cô ấy đi, chuẩn bị hậu sự đi! Cô ấy đã không thể nói được nữa rồi!”
Anh dường như sụp đổ, đẩy cửa bước vào phòng.
Người vợ nằm trên giường đã không còn nhìn ra diện mạo, băng quấn quanh đầu chỉ chừa ra mắt và mũi. Người chồng đau như cắt, đến trước giường vợ nói: “Anh đến muộn mất rồi!” Nói chưa dứt lời, nước mắt anh đã trào ra!
Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay vợ, ngạc nhiên thấy khóe mắt cô ấy đỏ hoe ướt ướt, hai hàng nước mắt làm ướt vải gạc, miệng cô khẽ mấp máy, hình như muốn nói gì đó.
Anh vội ghé tai sát vợ, giọng cô yếu ớt, ngắt quãng: “Em….đã điện thoại cho anh, chỉ là…….muốn…….nói với anh, trong tủ lạnh có sủi cảo, còn giấy bảo hiểm và sổ tiết kiệm trong ngăn kéo, mật khẩu là ngày sinh của anh, còn có mì sợi mà anh thích nhất, còn có………….em…………….yêu………”. Chưa nói dứt lời, cô không còn nói được nữa. Cô cũng không thở được nữa rồi.
Anh bật khóc nức nở. Đến lúc này đây cô vẫn nhớ căn dặn anh, nhớ tới món mì sợi! Kết hôn bao nhiêu năm, anh chỉ thấy cô ốm có 1 lần, mà món mì cô làm thì rất khó ăn!
1 tháng sau, người chồng mở giấy bảo hiểm trong ngăn kéo, ngày làm thủ tục bảo hiểm là ngày đăng kí kết hôn, người thừa hưởng tất nhiên là tên anh. Số tiền không lớn, chỉ có hơn 30 triệu, nhưng ở giữa có kẹp 1 giấy ghi chú, “Chồng yêu à, lúc anh thấy tờ phiếu này có lẽ em đang ở thế giới bên kia rồi. Cho dù chúng ta sau này có thế nào, nếu có lí hôn thì em vẫn muốn anh biết, tình yêu của em với anh trước sau không đổi, thiên chức làm vợ em không tiếp tục được nữa, cho dù em đi rồi, nhưng số tiền bảo hiểm này sẽ thay em, phần nào tiếp tục chăm sóc anh, giống như là em vẫn ở bên anh. Trên thiên đường em sẽ cầu chúc cho anh, yêu anh!”
Đọc những dòng này, anh nấc lên, khóc không thành tiếng. Cô ấy trước khi chết vẫn muốn nói “Em yêu anh”!
Sinh mệnh mong manh như thế, ngắn ngủi như thế, vậy thì chúng ta có nói được bao nhiêu lần “em yêu anh”? Thể diện cái gì, giận dỗi cái gì, trong tình yêu không nên quá cố chấp. Khoan dung một chút! Cảm thông một chút! Hiểu nhau một chút! Đừng để trong cuộc sống có những điều đáng tiếc như vậy! Nếu không thì bạn sẽ bỏ lỡ một người cả đời yêu bạn, cuối cùng chỉ nói được một lần câu “anh yêu em.” Lúc ấy thì có hối hận bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nghe được lời bày tỏ yêu thương như vậy nữa! Chúng ta cũng chẳng có lí do gì để mà không nói với người mình yêu câu “anh yêu em” cả. Nói với cô ấy, để cô ấy biết tình cảm của bạn, cô ấy là bầu trời của bạn, là sự sống của bạn!
Phải đối xử với bản thân mình tốt một chút vì một đời người đâu có dài. Phải đối xử tốt với những người bên cạnh ta, vì kiếp sau đâu ai biết là còn có thể gặp nhau nữa hay không! Người ta nói: “Tu 100 năm được ngồi chung thuyền, tu 1000 năm mới cùng chăn gối.” Vậy nên, hãy biết trân trọng những hạnh phúc nhỏ nhoi và bình thường bên cạnh bạn.