Monday 1 December 2014

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 2

CHỌN LỰA TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 2- ĐỊNH NGHĨA LẠI TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM phần cuối- Trường Quốc Tế - Dấu hiệu nhận biết ban đầu
Cho đến bây giờ, cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam vẫn không đưa ra được một định nghĩa chính thức “thế nào là trường quốc tế?”. Việc Sở giáo dục TP. HCM công nhận những trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… là trường quốc tế bị nhiều ý kiến không đồng tình, vì như vậy là nhầm lẫn cơ bản giữa một “trường nước ngoài” với một “trường quốc tế”!
Khái niệm trường quốc tế là một khái niệm rất lỏng lẻo. Tuy nhiên, những trường được công nhận một cách rộng rãi là trường quốc tế thường có những dấu hiệu sau:
- Giảng dạy chương trình quốc tế (IB và CIE), hoặc có thể là chương trình của các quốc gia có nền giáo dục mang tính quốc tế rất cao như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada…
- Đội ngũ giáo viên bản ngữ hoặc đa quốc tịch, hoặc có trình độ được công nhận ở phạm vi quốc tế.
Đặc biệt, hiệu trưởng phải là người bản ngữ hoặc một công dân quốc tế từ một đất nước có nền giáo dục phát triển, được đào tạo chuyên môn cao
- Ngôn ngữ giảng dạy là ngôn ngữ quốc tế, phổ biến: tiếng Anh, tiếng Pháp…
- Học sinh có nhiều quốc tịch khác nhau
- Bằng cấp có giá trị quốc tế: bằng cấp được công nhận rộng rãi bởi các trường đại học ở các nước như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc…
- Chương trình học có tính liên thông quốc tế, cho phép chuyển đổi tín chỉ đến những trường học ở nước ngoài một cách dễ dàng khi học sinh ra nước ngoài
- Trường được kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế
- Cơ sở vật chất hiện đại
Xét theo các tiêu chí trên đây thì rất nhiều trường tuy luôn gắn tên “quốc tế” vào tên gọi của mình nhưng không nên được xem là trường quốc tế, ví dụ: Á Châu (IPS/AHS), Việt Úc (VAS), Việt Mỹ (VASS), Việt Anh (VASchool), Sao Việt (Vstar), Tây Úc (WAPS), Nam Mỹ (VAPS), Tân Nam Mỹ (NSA), TIS, APC, Úc Châu…
Trong khi một số trường khác trong tên gọi có thể không có chữ “quốc tế”, nhưng nên được xếp vào nhóm trường quốc tế, ví dụ: Trường dân lập Mỹ Việt (TAS) và Trường dân lập Bắc Mỹ (SNA) vì các trường này đã tham gia kiểm định chất lượng với WASC.
Như vậy, “quốc tế” không nằm ở tên gọi, mà nằm ở thực lực của trường.
Cách đây 10 năm, các trung tâm Anh ngữ trong thành phố như “nấm sau mưa”. Nhưng khi thế hệ học sinh mới trong trường được học tiếng Anh tốt hơn, nhu cầu học tiếng Anh tại các trung tâm bên ngoài giảm dần, và tuyển sinh các lớp tiếng Anh trở nên khó hơn trước. Đúng lúc đó thì phong trào “học trường quốc tế” nổi lên. Vậy là một loạt các trung tâm Anh ngữ đã chuyển hướng sang trường quốc tế. Ví dụ:
- Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) mở ra Trường dân lập Việt Úc (VAS)
- Trường đào tạo Việt Mỹ (VATC) mở ra Trường Việt Mỹ (VASS), rồi sau này chuyển nhượng cho người khác
- Trung tâm ngoại ngữ Á – Âu mở ra Trường Á Châu (IPS, AHS)
- Trung tâm ngoại ngữ Liên Việt mở ra Trường Việt Mỹ (VAschool)
- Hệ thống trường ngoại ngữ Không Gian, Thần Đồng, Thượng Đỉnh, Leecam… (cùng một chủ) mở ra Trường dân lập Bắc Mỹ (SNA)
Các trung tâm Anh ngữ khi mở ra trường phổ thông thì có lợi thế khi có thể đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào chương trình học, đưa giáo viên từ trung tâm tiếng Anh sang trường phổ thông.
Trong khi phụ huynh còn đang lẫn lộn giữa “trường quốc tế thật” và “trường định hướng quốc tế”, thì nhiều trường dân lập tăng cường tiếng Anh đạt doanh thu khổng lồ mà những trường IB cũng phải thèm muốn. Vậy đó, đừng nhìn vào trường học thấy cơ sở vật chất không to đẹp, chương trình dạy không có “ai bi” mà coi thường. Các trường hướng vào phân khúc khách hàng mass có sức cạnh tranh rất lớn, đe dọa luôn cả các trường quốc tế hàng đầu!
Trước tiên, cần khẳng định Việt Úc không phải trường quốc tế, mà là trường dân lập giảng dạy chương trình Việt Nam, tăng cường tiếng Anh, chủ trường cũng đồng thời là chủ Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS). Trường này là một trường học hoàn toàn vì lợi nhuận, gần đây đã được Quỹ đầu tư Mekong Capital đầu tư vào. Ưu điểm của trường này là học phí bằng khoảng 50% học phí trường quốc tế thực thụ, trường có kinh nghiệm tổ chức việc dạy tiếng Anh ở VUS nên có lợi thế khi dạy tăng cường tiếng Anh. Nhược điểm là trường hoạt động chịu sức ép sinh lời, thương mại hóa rất lớn, toàn bộ khuôn viên đi thuê, hầu hết các cơ sở không có sân chơi cho học sinh, đội ngũ giáo viên chuyên môn không có gì đặc biệt. Hiệu trưởng của trường, ông Đinh Thái Long, là giáo viên tiếng Anh VUS, trước là giám đốc học vụ của Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS)

Cùng với Á Châu, trường Việt Úc là trường "lai" (hybrid), họ hướng tới việc giảm tải việc học so với trường công, và hướng tới mô hình trường học tiên tiến. Về giảng dạy chương trình Việt Nam, chất lượng giáo dục của nó ngang bằng một trường công lập trung bình trong thành phố.
Trường Á Châu và trường Việt Úc là "thủ phạm" gây ra hiểu lầm về khái niệm "trường quốc tế". Họ sử dụng chữ "quốc tế" để chiêu sinh, trong khi cả chương trình học lẫn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì không theo chuẩn của tổ chức quốc tế nào (trừ môn tiếng Anh và ICT).
----
[ KỲ TỚI: PHÂN BIỆT TRƯỜNG THÀNH VIÊN VÀ TRƯỜNG ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH BỞI CÁC TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ]
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)

No comments:

Post a Comment