Monday 1 December 2014

CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ KÌ 3

LỰA CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ CHO CON- TẬP 3- PHÂN BIỆT TRƯỜNG THÀNH VIÊN VÀ TRƯỜNG ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH-CÁC TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH QUỐC TẾ
[em sorry cả nhà, tối qua Gánh em có tiệc tùng đến khuya, giờ em mới post được, bài hôm nay có chia sẻ danh sách 6 trường quốc tế được công nhận tại VN đó]
1)TRƯỜNG QUỐC TẾ CÓ ĐƯỢC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG KHÔNG?
Hiện tại thị trường trường quốc tế tại Việt Nam là thả nổi, vô cùng bát nháo. Do đó việc kiểm định chất lượng các trường quốc tế tại VN bởi các tổ chức bên ngoài là cần thiết, vì hiện nay Bộ GD&ĐT Việt Nam không thực hiện chức năng này. Việc kiểm định thường bao gồm kiểm định trường nói chung và kiểm định chương trình giảng dạy.
Về chương trình giảng dạy thì IBO và CIE là hai tổ chức thiết kế, phát triển và cung cấp chương trình
giáo dục phổ thông quốc tế lớn nhất, uy tín nhất và chương trình của họ chỉ cung cấp cho những trường học đạt được những tiêu chí nhất định họ đặt ra. Thông thường, các tiêu chí này bao gồm chất lượng giáo viên (giáo viên phải được công nhận đủ năng lực giảng dạy chương trình) và chất lượng cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai chương trình dạy. Ngoài ra, các chương trình giảng dạy của Anh, Mỹ, Úc, Canada… cũng được chính phủ các nước này hoặc chính quyền bang (thông qua Bộ giáo dục) thẩm định và công nhận, dù nó chỉ có ý nghĩa là phù hợp với mục tiêu đào tạo công dân của nước họ.
Về chất lượng trường học nói chung, có một số tổ chức chuyên thực hiện chức năng thẩm định (accreditors). Phổ biến nhất là CIS (hiện ECIS không còn thực hiện chức năng kiểm định), 6 tổ chức kiểm định vùng của Hoa Kỳ (NEASC, WASC, MSACS, NCACS, SACS, NAC) và COBIS (hệ thống các trường Anh). Việc kiểm định này nhằm đảm bảo các trường thành viên duy trì một mức độ chất lượng tương đối và chịu sự giám sát liên tục của một tổ chức bên ngoài trường, đánh giá các trường theo nhiều tiêu chí khác nhau trong sự so sánh giữa các trường cùng tham gia kiểm định.
Hiện nay, một số trường quốc tế ở VN đã được kiểm định và công nhận: CIS (Hội đồng các trường quốc tế) công nhận 3 trường: BIS, ISHCMC và UNIS (Nguồn: http://portal.cois.org/WCM/CIS/Direc...a-615bcfde61ee) WASC (Hiệp hội các trường miền Tây Hoa Kỳ) công nhận 2 trường: SSIS và UNIS, mới đây thêm trường Bắc Mỹ (SNA). (Nguồn:http://www.acswasc.org/directory_searchlist.cfm)
NEASC (Hiệp hội các trường vùng New England, Hoa Kỳ) công nhận 1 trường: ISHCMC và trường phân nhánh của ISHCMC hệ song ngữ là AAVN. (Nguồn http://caisa.neasc.org/caisa_directo...search_results) COBIS (Hội đồng các trường quốc tế Anh) công nhận 1 trường: ABC (Nguồn:http://www.cobis.org.uk/accredited-members.html)
NHƯ VẬY, CHỈ CÓ 6 TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC CÔNG NHẬN, ĐÓ LÀ: BIS (KHÔNG BAO GỒM BVIS), ISHCMC (BAO GỒM AAVN), UNIS, SSIS, ABC VÀ SNA TRONG ĐÓ 2 TRƯỜNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN KÉP LÀ ISHCMC (CIS & NEASC) VÀ UNIS (CIS & WASC).
Rất nhiều trường mới chỉ là thành viên (member) của các tổ chức kiểm định nêu trên, tuy vậy có một số trường lợi dụng chữ approved candidate for accreditation để quảng cáo giống như là trường đã được công nhận, và một số phụ huynh chỉ xem logo của tổ chức kiểm định, cũng không coi kỹ nên tưởng là trường đã được công nhận rồi.
Tôi không quy chụp những trường chưa/không được công nhận đồng nghĩa với việc họ đào tạo không có chất lượng. Vấn đề là khi không có một tổ chức bên ngoài, độc lập và phi lợi nhuận, đứng ra kiểm định các trường thì không có cơ sở nào để kết luận về chất lượng trường. Chất lượng khi đó chỉ là theo nhận xét cảm tính của phụ huynh/học sinh. Tuy nhiên, những trường tự tin về chất lượng và cam kết đào tạo có chất lượng thường không có lý do gì để từ chối hoặc trì hoãn việc kiểm định chất lượng.
2) QUẢNG CÁO GIÁO DỤC: ĐA ĐOAN KHÓ LƯỜNG
Với sự tiếp tay của những chuẩn mực dễ dãi của báo chí, quảng cáo giáo dục hiện nay là không kiểm soát nổi. Nhân cơ hội này, không ít trường mặc sức "nổ" mà chẳng ai chặn lại. Một nửa bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.
Hàng ngày trên báo Tuổi Trẻ, trường Bắc Mỹ (NSA) vẫn lợi dụng chữ tiếng Anh "approved candidate for WASC accreditation" để nâng lên thành tiếng Việt "được kiểm định bởi WASC", dù rằng trường mới là thành viên (member) của WASC và chưa được kiểm định (accredited).http://www.sna.edu.vn/. (Theo cập nhật mới nhất NSA mới được WASC kiểm định chất lượng vào ngày 23 tháng 5 năm 2014 trong khi mẩu quảng cáo trên đã có mặt từ mấy năm trước)
Không biết vì vô tình hay cố ý, trường BVIS quảng cáo là “Mô hình giáo dục mới, tiên tiến duy nhất tại Việt Nam”. Không rõ ho ọ có biết rằng Luật quảng cáo VN cấm những quảng cáo có tính so sánhhơn nhất và hạ thấp đối thủ không. http://www.bvisvietnam.com/index.php...FUcmpAod5lfR6A
Trường TAS vừa mới thành lập nhưng trong mục Kiểm định chất lượng cũng "hứa" sẽ kiểm định WASC và CIS:http://www.theamericanschool.edu.vn/...mid=90&lang=en.
Trong tiếng Anh, TAS nói là "sẽ":
The American School of Vietnam is committed to providing to our students an American education of the highest quality. To ensure high standards in our programs, the school will seek full accreditation from Western Association of Schools and Colleges (WASC, California) and from the Council of International School (CIS).
Nhưng tiếng Việt nói là "đã":
Trường TAS cam kết cung cấp chương trình giáo dục có chất lượng tốt nhất cho các em học sinh. Nhằm đảm bảo các chuẩn mực trong chương trình, nhà trường đã đăng ký giám định với Hiệp hội các Trường học và Đại học miền Tây Hoa Kỳ (ghi tắt là WASC, ở bang California) và bởi Hội đồng các Trường Quốc tế (ghi tắt là CIS).
Sự thực thì TAS chưa phải là thành viên của WASC và CIS.
Trường quốc tế Singapore thì luôn luôn quảng cáo là "tập đoàn giáo dục Quốc tế Kinderworld", thành lập từ năm 1986, nhưng cái "tập đoàn" đó không có hệ thống trường Kinderworld tại Singapore, và cũng không hề có thông tin về hoạt động giáo dục của "tập đoàn" từ năm 1986 đến trước khi vào VN năm 1999 thì bao gồm những gì. http://www.kinderworld.net/
Trên trang web của CIS (Hội đồng các trường quốc tế), tên của trường Á Châu (bao gồm Trường tiểu học quốc tế + Trường trung học Á Châu:http://aisvn.edu.vn) đã bị rút khỏi danh sách thành viên:
(http://portal.cois.org/WCM/CIS/Direc..._Schools.aspx
Theo tôi điều này là hợp lý, vì trường Á Châu không có triển vọng để trở thành trường được CIS công nhận. Vì đây là trường dân lập dạy chương trình của Việt Nam, cho nên nhiều ý kiến cho rằng trường này và một số trường tương tự như Việt Úc, Vstar, TIS, vv...không được phép tự gọi mình là trường quốc tế, và cần phải gỡ chữ "quốc tế" ra khỏi tên gọi để tránh gây ngộ nhận và ảo tưởng cho phụ huynh, học sinh. Kiến nghị này là rất xác đáng.
Đã lâu rồi, tôi có đọc thông tin Tiến sỹ Mark Ashwill, cựu giám đốc Viện giáo dục Hoa Kỳ (IIE) tại Việt Nam có đưa ra 1 danh sách cảnh báo về 22 trường đại học trôi nổi của Mỹ sang Việt Nam "bán" bằng cấp (nguyên văn: diploma mill), nhưng tôi không để ý có tên trường APU (American Pacific Univeristy). Nguyên văn bài viết của Mark Ashwill ở đây:http://markashwill.com/2012/02/13/ne...rs-in-vietnam/.Sau đó báo Tuổi Trẻ cũng có một phóng sự về vấn đề trường giả, bằng dỏm:http://tuoitre.vn/giao-duc/395076/th...cong-nhan.html. Vậy mà sau vụ đó, trường quốc tế APU vẫn tiếp tục tồn tại, hơn nữa họ còn mở thêm trường American University Vietnam (www.auv.edu.vn) ở Đà Nẵng nữa. Hiện nay trường quốc tế APU vẫn được quảng cáo là một bộ phận của trường Đại học Mỹ Thái Bình Dương (American Pacific University).
Ngoài ra còn vô vàn những trường bản chất là trường dân lập hoặc tư thục (theo đăng ký với Sở GD) nhưng vẫn tự gọi mình là trường quốc tế khiến biết bao nhiêu PH lâu nay cứ phàn nàn: trường quốc tế mà như vậy sao?
3)PHÂN BIỆT TỔ CHỨC CÓ CHỨC NĂNG KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ TỔ CHỨC CUNG CẤP CHƯƠNG TRÌNH HỌC:
Đây là hai định nghĩa dễ gây nhầm lẫn nhất nơi phụ huynh. Để nắm rõ hai khái niệm này chúng ta cần hiểu qua hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến. Không như Việt Nam, các nền giáo dục tiên tiến có sự phân hóa chức năng rất sâu trong bộ máy quản lý giáo dục. Bộ giáo dục của họ chỉ lo những việc vĩ mô như định hình chiến lược phát triển cho giáo dục… còn những việc chuyên môn khác như viết sách giáo khoa, nghiên cứu chương trình giảng dạy..v.v có bộ phận chuyên tu lo tất tần tần. Việc tổ chức hệ thống kiểu này là dựa trên sự phân chia công việc theo tư duy quản lý và tư duy chuyên môn. Người có chuyên môn tốt không chắc là người quản lý tốt. Nên một trường được cấp quyền dạy một chương trình nào đó không đồng nghĩa với việc trường đó đã được kiểm định. Việc trởthành thành viên của một tổ chức nào đó chỉ có ý nghĩa là bạn đóng một khoản phí để sinh hoạt trong câu lạc bộ của tổ chức đó, được truy xuất những thông tin, hoạt động của tổ chức chứ không có nghĩa là bạn được chứng nhận chất lượng bởi tổ chức đó.
Ví dụ cụ thể như sau: IB là tổ chức cung cấp và cấp phép chương trình dạy (authorization), không phải là tổ chức kiểm định chất lượng trường học (accreditation). Khi xem xét chấp nhận một trường tham gia vào mạng lưới trường IB, họ quan tâm đến việc trường học đó có đủ nguồn lực để triển khai chương trình của họ hay không, trong đó có những quy định về IB coordinator, về đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình IB. IB đặc biệt quan tâm đến số năm kinh nghiệm của giáo viên, và họ cũng cung cấp dịch vụ đào tạo và cấp chứng chỉ cho giáo viên giảng dạy chương trình IB. Thủ tục tham gia vào mạng lưới IB World School bao gồm việc đóng lệ phí, thời gian cân nhắc, thời gian là thành viên để chờ được cấp phép (trung bình 2 năm) và sau đó là cấp phép (authorization). Bạn xem thêm thông tin tại đây: http://www.ibo.org/become/index.cfm. Ví dụ AmIS được cấp phép giảng dạy chương trình IBDP, điều đó có nghĩa là họ có đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn để triển khai chương trình IBDP, và IB sẽ liên tục giám sát việc giảng dạy và thành tích thi cử IBDP của trường. Tuy nhiên, IB sẽ không giám sát các chương trình khác của trường như chương trình AP, các bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông. Vì AmIS là thành viên (member) của cả CIS và WASC và đăng ký tham gia kiểm định (candidate for accreditation) nên họ sẽ phải vận hành các chương trình này theo chuẩn của các tổ chức kiểm định trên cho đến khi họ hoàn toàn được chứng nhận (fully accredited). Điều này có nghĩa là, con bạn học tại AmIS, nếu bé không đủ điểm đạt IB hoặc AP(cuộc thi được tổ chức đồng nhất trên toàn cầu) thì bé vẫn được cấp bằng phổ thông trung học nhưng tấm bằng này không được chấp nhận trên thế giới vì trường AmIS chưa được bất kì tổ chức kiểm định nào accredit. Trái lại khi bạn học một trường được accredit có dạy IB, nếu con bạn không đậu IB nhưng đã hoàn tất chương trình trung học phổ thông, con bạn vẫn được nhận bằng trung học phổ thông và tấm bằng này được regconized trên thế giới do trường đã được kiểm định chất lượng.
Có tình trạng một số trường hăng hái đáp ứng các yêu cầu ban đầu để được cấp phép giảng dạy các chương trình của Tổ chức tú tài quốc tế (IB) và chương trình phổ thông quốc tế của ĐH Cambridge(CIE), nhưng khi đạt được mục tiêu rồi thì họ không còn quan tâm đến chất lượng nữa mà chỉ tập trung cho mục đích chiêu sinh. Để tránh cái bẫy này, phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng điểm thi Tú tài quốc tế (IBDP), Trung học đại cương quốc tế (IGCSE) và dự bị đại học (A level, AP) để đánh giá kết quả giảng dạy của chương trình học ra sao, đồng thời yêu cấu trường công bố kết quả của sát hạch thường niên của các tổ chức IB và CIE, trong đó họ thường yêu cầu cụ thể nhà trường phải cải tiến, khắc phục gì.
(trích tác giả giấu tên, cảm ơn em rất nhiều, người mẹ trẻ chăm sóc con kỹ nhất- tỉnh táo nhất, có kiến thức nhất, chỉn chu nhất và dịu dàng nhất mà chị từng biết)
KỲ TỚI: NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH QUỐC TẾ PHỔ BIẾN-KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM

No comments:

Post a Comment