Friday 18 April 2014

Quan điểm của triết học Phật giáo về linh hồn và “cái tôi”



Linh hồn, “cái tôi”, có tồn tại không? Câu trả lời của phật giáo là: không có linh hồn, theo nghĩa của người thường và của các nhà triết học Ấn Độ Sankhya hay Vaisesika.

Câu trả lời như vậy chỉ có thể có với một quan điểm có căn cứ rõ ràng về một vấn đề liên quan hiển nhiên đến lĩnh vực siêu hình.

Nhà chú giải Phuguan cho rằng, không nên trả lời những vấn đề này, bởi vì “thế giới”, “Đức Phật” và “cuộc sống” như người hỏi hiểu, không là gì khác hơn là cái tôi được biểu thị một cách gián tiếp, tức là, người hỏi hiểu “thế giới” là thế giới bên ngoài, như một cái gì đó độc lập với “cái tôi” kinh nghiệm, mà anh ta không nghi ngờ gì về tính thực tại độc lập tuyệt đối của nó. Người hỏi ngụ ý hiểu Phật là “cái tôi” của người thầy Thích Ca Mâu Ni, tức là linh hồn của Ngài, như một cái gì đó tách khỏi thế giới được Ngài xúc cảm. Cũng như vậy, người hỏi hiểu “cuộc sống” như một cái gì đó tách rời, có thể đổng nhất với cá nhân kinh nghiệm.

Đức Phật đã luôn dạy rằng không có “cái tôi” độc lập như vậy không có thế giới tách rời “cái tôi”, không có “những vật thể” độc lập không có “cuộc sống” tách rời, – tất cả những cái đó là – những tương tác bền chặt và chỉ bị tách khỏi nhau trong tưởng tượng. Người hỏi yêu cầu Đức Phật mô tả thuộc tính cái mà Ngài phủ định sự tồn tại của nó, tức yêu cầu Ngài có một nhận xét khẳng định về cái đó. Đức Phật im lặng. Nói theo ngôn ngữ lôgíc Phật giáo của Digunga, lập luận “thế giới hữu hạn” không được Đức Phật đặt ra với tư cách là “luận đề”, bởi vì Đức Phật “không thừa nhận” luận đề ‘thế giới”. Trong trích yếu lôgíc của Dignarama học trò của ông là Sankarasvamin soạn, có khái niệm “luận đề” như sau: Luận đề là cái mang chất lượng (S) được thừa nhận, và chất lượng được thừa nhận (P), trong trường hợp khi chúng quy định lẫn nhau, tức được đặt trong mối liên hệ lẫn nhau trong cùng một lập luận. Luận đề là “sai lầm” tức vô ích đối với lập luận khi một phần nào đó của một trong những mặt được tranh luận không được thừa nhận. Trong trường hợp nay, chúng ta mắc sai lầm do không thừa nhận luận đề chủ, ví dụ như việc người theo học thuyết Sankhya mà lại nói với người Phật tử rằng, “cái tôi” – đó là tính tích cực của ý thức. Kuidzi trong “Đại chú giải” đã giải thích quy tắc này như sau: Vị từ “centana” (tính tích cực của ý thức không được cả hai phía thừa nhận, bởi vì trong những yếu tố mà Đức Phật dạy, có nhắc tới yếu tố này. Chủ từ “tôi” không được thừa nhận bởi đa số những người Phật tử, bởi là không tồn tại cái mà không được thiết lập trực tiếp bằng các phương thức nhận thức đúng đắn, tức hoặc bằng cách quan sát trực tiếp nội trạng và ngoại thể, hoặc bằng cách suy luận tư biện .
Điều đó có nghĩa: “Cái tôi” mà chủ nghĩa thực tại ngây thơ không nghi ngờ sự tồn tại của nó, là không thể nhận biết bằng kinh nghiệm. Bởi vậy không cần thiết đưa vào trong những yếu tố tiên nghiệm thuần túy cái thực tại đặc biệt, linh hồn hay “cái tôi” để lý giải một hiện tượng hư ảo như vậy. Cái được gọi là “cái tôi” kinh nghiệm hoàn toàn được lý giải bằng những yếu tố và những quy luật khác nhau trong những liên tưởng của chúng. Do đó những vấn đề bị trệch đi hoàn toàn không do chúng là siêu hình, mà vì không thể trả lời chúng về mặt lôgíc. Đức Phật đứng trên quan điểm đó.

Có cần ngạc nhiên hay không khi Đức Phật đã không giải thích cho những ai tò mò hỏi Ngài bằng quan điểm phê phán hay bằng quan hệ của mình đới với vấn đề về tồn tại? Người không chuyên tâm vào những học thuyết triết học sẽ không hiểu Ngài ngay được.

Những lời của Đức Phật về “sự không quan trọng” của những vấn đề này gợi nhớ tới những lời của Kant: “hoàn toàn không cần để mọi người nghiên cứu siêu hình học”. Trong mọi trường hợp, những học trò và những người kế tục Đức Phật rất nhiều lần đã hỏi, đã viết về những vấn đề này và đã kiên định trích những lời của Thầy. Ta sẽ tự hỏi, vậy phải giải thích như thế nào điều mà các tác giả Âu châu cứ một mực phủ nhận tính siêu hình của Phật giáo nguyên thủy. Phần nào, hiện tượng đó có thể được lý giải theo hai khuynh hướng. Một mặt, các tác giả những nhà truyền giáo của đạo thiên chúa, một cách vô ý, đối khi cố ý đã nhấn mạnh tính phản siêu hình của Phật giáo để chứng minh tính vô căn cứ và không hoàn thiện theo nghĩa hệ thống tôn giáo của đạo Phật.
Mặt khác, hình như việc không có siêu hình học trong Phật giáo đã được chỉ ra như một ưu thế, vì Phật giáo được đặt ra như một hệ thống có khả năng thay thế tôn giáo nhưng không đối lập với thế giới quan khoa học hiện đại. Không nên quên rằng, khởi đầu của việc nghiên cứu Phật giáo trùng với thời kỳ triết học siêu hình suy thoái và các hệ thống thế giới quan duy vật thì hưng thịnh ở Âu châu. Cái gọi là sự trùng hợp của học thuyết Phật giáo với kết quả của khoa học hiện đại được nhấn mạnh đặc biệt trong các tác phẩm thần bí gần với Phật giáo. Sự khẳng định của những nhà Sanskrit học như Oldenberg, Rhys-Devids, Pisel, v.v … có lẽ đã vô tình dựa trên khuynh hướng bảo vệ Phật giáo khỏi những phê phán về mặt siêu hình, tức là muốn đặt Phật giáo như là một hệ thống đáng được sự chú ý của những người phủ nhận triết học tư biện.
*Trích bài “Những vấn đề triết học Phật giáo – siêu hình học” trên trang web http://phatgiao.org.vn.

No comments:

Post a Comment